Bùng phát vào thập niên 90 của thế kỷ XX, hiện nay, đại dịch HIV/AIDS ở nước ta có dấu hiệu chững lại. HIV/AIDS đã giảm cả 3 tiêu chí: Số người nhiễm mới HIV, số người nhiễm bệnh chuyển sang AIDS và số tử vong do AIDS. Đạt kết quả đó là nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật từ quốc tế. Từ chỗ thành kiến, e dè với người bị nhiễm HIV, xã hội hiện nay có cái nhìn chia sẻ, cảm thông hơn với những người kém may mắn. Ý thức phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS trong nhân dân cũng được nâng cao,...
Tuy nhiên, dịch bệnh HIV/AIS vẫn đáng quan ngại bởi nó tác động trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng nòi giống và ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH. Hiện nay, HIV/AIDS có mặt ở 100% tỉnh, thành, 99% quận, huyện, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hằng năm, số nhiễm HIV mới trên 10.000 ca. Riêng Long An, năm 2014 có 239 ca nhiễm mới; 9 tháng năm 2015 có 169 ca. Điều đáng lo là hầu hết các ca nhiễm HIV ở độ tuổi trẻ, độ tuổi lao động, là trụ cột trong gia đình. Số trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ sang con và số lây nhiễm qua đường tình dục tăng, khó kiểm soát. Tình hình trên, cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông cũng như sự hưởng ứng của người dân trong việc cùng quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ người bị nhiễm HIV/AIDS.
Hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam” (90% số người nhiễm sẽ biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV (kháng vi-rút); 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị ARV kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp nhất), các cơ quan, tổ chức phải coi việc truyên truyền phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ của ngành mình, mỗi cá nhân là tuyên truyền viên, chủ động bảo vệ mình. Ngành Y tế tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, tiếp cận, quản lý, tư vấn, cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS,...
Khi chưa thể loại trừ đại dịch HIV/AIDS ra khỏi đời sống xã hội thì cần có giải pháp thích hợp để giảm thiểu tác hại, lây lan, chủ động sống chung, không kỳ thị với người nhiễm HIV nhưng tuyệt đối không lơ là, thiếu quan tâm trước hiểm họa của đại dịch. Phòng, chống HIV phải song hành với phòng, chống tệ nạn ma túy và mại dâm./.
Kim Quy