Tư vấn cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Hiện nay, pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở Singapore và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Do đó, người lao động phải cảnh giác với các thông tin tuyển lao động sang Singapore làm việc vì đây là thị trường khá “khó tính” trong việc tuyển dụng lao động nước ngoài.
Chỉ một công ty được cấp phép
Ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong số các quốc gia Đông Nam Á thì Singapore là một thị trường khá “khó tính” trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài muốn được cấp visa ở lại làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực.
Để được cấp S Pass hoặc E Pass sang Singapore làm việc, người lao động Việt Nam phải được một người sử dụng lao động Singapore đứng ra bảo lãnh làm các thủ tục pháp lý cần thiết, trong đó thủ tục đầu tiên là nộp hồ sơ tại Bộ Nhân lực Singapore để xin thư đồng ý về mặt nguyên tắc (IPA - In Principal Approval). IPA thường có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định, khoảng 2 đến 3 tháng.
Trong khoảng thời gian được bảo lãnh, người lao động phải nhập cảnh Singapore, sau đó phải hoàn tất các yêu cầu khác theo quy định của Singapore để chính thức được cấp visa S Pass hoặc E Pass. Lao động có thể kiểm tra xem IPA của mình có được cấp không và thời hạn trong bao lâu tại trang web của Bộ Nhân lực Singapore: http://www.mom.gov.sg.
Trước đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã cho phép một số doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động sang làm việc tại Singapore. Phần lớn lao động Việt Nam đều được cấp visa S Pass với thời hạn hợp đồng là 2 năm và làm việc chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ.
Ông Tống Hải Nam cho biết, hiện nay, chỉ có công ty VIRASIMEX đăng ký hợp đồng đưa 5 lao động sang Singapore làm việc trong nhà hàng ở Singapore, được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép tuyển lao động nhưng chưa được thu phí của người lao động vì lao động chưa được cấp IPA (Thư đồng ý về mặt nguyên tắc). Khi nào lao động có IPA, công ty phải làm thủ tục đăng ký hợp đồng với Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Công ty Viet-Sing chưa được cấp phép
Đối với thông tin Công ty Cổ phần dịch vụ quốc tế Việt-Sing đưa người lao động đi làm tại Singapore theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa với mức từ 50-150 triệu đồng/người, ông Tống Hải Nam cho biết, theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Công ty Cổ phần dịch vụ quốc tế Việt-Sing muốn đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Singapore phải được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Lao động Việt Nam làm thủ tục sang trước khi đi làm việc ở nước ngoài (Ảnh minh họa: PV/vietnam+)
“Hiện nay, Công ty Cổ phần dịch vụ quốc tế Việt-Sing chưa có đơn đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Vì vậy công ty này không được phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở bất kỳ nước nào, bao gồm cả Singapore theo hình thức ký hợp đồng cung ứng lao động với người lao động,” ông Tống Hải Nam nói.
Ngoài ra, không có điều luật nào của Việt Nam cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Do vậy, Công ty cổ phần dịch vụ quốc tế Việt-Sing không được đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu công ty này đưa người lao động đi làm việc tại Singapore theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa và thu tiền của người lao động là trái quy định của luật pháp Việt Nam.
Do Công ty phần dịch vụ quốc tế Việt-Sing không có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nên các tranh chấp phát sinh giữa Công ty với người lao động không chịu sự điều chỉnh của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong trường hợp này, ông Tống Hải Nam cho rằng người lao động có thể tìm đến cơ quan công an để được can thiệp hỗ trợ đòi lại các quyền lợi chính đáng. Nếu cơ quan công an nơi công ty này có trụ sở chín tạm dừng điều tra, người lao động có thể gửi đơn tới cơ quan công an quận/huyện nơi người lao động cư trú hoặc các cơ quan công an cấp trên để được hỗ trợ giải quyết./.
Người lao động nước ngoài được cấp phép làm việc tại Singapore có thể được cấp một trong 3 loại visa sau: Work Permit (Giấy phép làm việc): lao động phổ thông làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, hang hải, chế biến và dịch vụ; không có quy định về mức lương tối thiểu cho người lao động nước ngoài. S Pass (visa S Pass): lao động kỹ thuật, mức lương tối thiểu cho người lao động nước ngoài phải từ 2.200 SGD/tháng trở lên (bao gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hàng tháng). E Pass (visa E Pass): lao động phải là chuyên gia, mức lương tối thiểu cho người lao động nước ngoài phải từ 3.300 SGD/tháng trở lên (bao gồm lương cơ bản và trợ cấp cố định hàng tháng). Hiện nay, người lao động Việt Nam có thể làm việc tại Singapore dưới hình thức visa S Pass hoặc E Pass. Chính phủ Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit. |
Hồng Kiều/Vietnam+