Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo số liệu Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa công bố, trong 4 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 33.694 người (trong đó 12.867 lao động nữ), đạt 33,69% kế hoạch năm 2016.
Báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng Tư là 10.480 lao động (3.307 nữ). Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 4.991 lao động (1.481 lao động nữ), tiếp theo là Nhật Bản 3.349 lao động, Hàn Quốc 1.510 lao động, Malaysia 122 lao động, Saudi Arabia 310 lao động, Macau 24 lao động và các thị trường khác.
Trong những tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu lao động đã có những tín hiệu tích cực về việc mở ra cơ hội việc làm ở các thị trường mới như Thái Lan, Australia và việc xem xét ký lại thoả thuận hợp tác lao động với Hàn Quốc.
Australia vừa thông báo, trong năm 2016 sẽ cấp tối đa 200 thị thực cho công dân Việt Nam lưu trú để du lịch nhưng được tìm việc làm hợp pháp. Lao động Việt Nam có cơ hội du lịch kết hợp làm việc với mức lương cao tại Australia trong thời gian tối đa 12 tháng.
Tại thị trường Thái Lan, hai nước đang phối hợp với nhau để tuyển dụng lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc trong 2 lĩnh vực xây dựng và đánh bắt thủy hải sản. Vì đây là chương trình thí điểm nên số đơn vị đầu mối được phép tiến hành tuyển dụng và triển khai đưa lao động sang làm việc tại Thái Lan mới hạn chế. Trước mắt, Thái Lan cho phép 10 đơn vị đầu mối Việt Nam được đưa lao động sang thị trường này.
Với thị trường Hàn Quốc, năm nay, dù chưa ký lại Thỏa thuận đặc biệt nhưng phía Hàn Quốc đã thông báo sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt Nam mẫu mực, trung thành.
Trong thời gian tới tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam sẽ làm việc với Bộ Lao động Hàn Quốc, Cơ quan Phát triển nhân lực Hàn Quốc, Bộ tư pháp Hàn Quốc với mong muốn sớm ký lại Thỏa thuận Thông thường. Tuy nhiên, muốn ký lại thì Việt Nam phải giảm tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng, cư trú trái phép tại Hàn Quốc./.
Hồng Kiều/Vietnam+