Mỹ ghi nhận thêm 14.027 ca mắc mới và 765 ca tử vong trong 24h, nâng tổng số ca Covid-19 tại nước này lên gần 1,4 triệu với 81.552 người tử vong.
Số ca tử vong ở Mỹ đã cao hơn bất kỳ đợt dịch cúm mùa nào ở Mỹ kể từ năm 1967 và cao hơn số ca tử vong trong suốt 11 năm đầu tiên của dịch bệnh AIDS từ năm 1981 - 1992.
Pháp ghi nhận thêm 263 ca tử vong vì Covid-19 trong 24h, khi quốc gia này vừa có ngày đầu tiên dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau gần 2 tháng. Ảnh: Reuters
Các trường hợp mắc mới đang giảm dần ở New Jersey và New York - tâm chấn dịch Covid-19 tại Mỹ, những nơi chiếm gần một nửa số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ. Đây cũng là 2 bang vẫn thực hiện các quy định phong tỏa nghiêm ngặt nhất.
Trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng, Nhà Trắng hôm 11/5, Tổng thống Trump nhận định người Mỹ "đang chết dần" vì các biện pháp giãn cách xã hội, đồng thời cáo buộc đảng Dân chủ trì hoãn các bang mở cửa vì các mục đích chính trị là phá hủy nỗ lực tái đắc cử của ông.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng nhiều người đang chết vì nghiện ma túy và tự tử do các biện pháp giãn cách xã hội mặc dù không đưa ra bằng chứng nào về nhận định này.
Trong khi đó, hàng loạt quốc gia châu Âu đang hoặc chuẩn bị dỡ bỏ phong tỏa. Khoảng một nửa trong số 47 triệu dân Tây Ban Nha đang trong quá trình gọi là giai đoạn 1 của kế hoạch 4 bước nhằm nới lỏng một trong những quy định phong tỏa nghiêm ngặt nhất châu Âu. Dữ liệu từ Bộ Y tế Tây Ban Nha cho thấy số ca tử vong do Covid-19 ở Tây Ban Nha đã giảm xuống còn 123 trong 24h qua, nâng tổng số ca tử vong của nước này trong đại dịch lên 26.744. Tổng số ca mắc ở quốc gia này hiện là 268.163 người.
Theo quy định mới, các nhà thờ sẽ không dùng ghế dài mà dùng ghế đơn với số lượng hạn chế để đảm bảo khoảng cách 2 mét giữa mọi người. Việc tập trung từ 10 người trở xuống được cho phép và mọi người có thể đi lại tự do trong địa phương của mình.
Chính phủ Anh cũng công bố kế hoạch hôm 11/5 về việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa và quay trở về cuộc sống bình thường trong một tài liệu dài 51 trang. Anh đã vượt Italy trở thành ổ dịch lớn thứ 3 thế giới với 223.060 ca và là quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ với 32.065 ca.
Số ca mắc mới và số ca tử vong trong ngày ở Italy đều ở mức 3 chữ số với 744 ca mắc mới và 179 trường hợp tử vong. Italy hiện là ổ dịch lớn thứ 5 thế giới với 219.814 ca mắc Covdi-19 và 30.739 ca tử vong.
Pháp ghi nhận thêm 263 ca tử vong vì Covid-19 trong 24h, mức tăng đáng kể so với những ngày trước đó sau khi quốc gia này vừa có ngày đầu tiên dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau gần 2 tháng. Số ca tử vong mới đã nâng tổng số người chết vì dịch bệnh Covid-19 tại Pháp lên 26.643. Pháp đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa hôm 11/5, mặc dù nhiều quy định vẫn được thực hiện trên toàn quốc. Chính phủ đã chia Pháp thành các khu vực xanh và đỏ với Paris và 3 khu vực khác được phân loại vào đỏ, tức là những nơi sẽ được nới lỏng lệnh phong tỏa một cách hạn chế hơn.
Bộ Y tế Pháp trong một thông báo vẫn yêu cầu mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng và chú ý giãn cách xã hội bởi: "Đại dịch vẫn đang hoạt động và phát triển".
Nga đã vượt Italy trở thành ổ dịch lớn thú 4 thế giới chỉ sau Mỹ, Tây Ban Nha và Anh. Quốc gia này hiện ghi nhận 221.344 ca mắc Covid-19 và 2.009 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này. Nga có số ca mắc mới trong ngày cao thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ với 11.656 trường hợp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa từ ngày 12/5 song từng khu vực cụ thể sẽ cần điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với các điều kiện ở địa phương mình.
"Bắt đầu từ ngày mai, 12/5, quãng thời gian những ngày không làm việc trên toàn quốc sẽ chấm dứt với tất cả các ngành kinh tế", ông Putin khẳng định hôm 11/5.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết Nga đã sử dụng thời gian tự cách ly để chuẩn bị cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, tăng cường số lượng giường bệnh và cứu sống "hàng nghìn sinh mạng".
"Điều đó cho phép chúng tôi bắt đầu dỡ bỏ dần các lệnh hạn chế. Để nền kinh tế sớm quay lại bình thường là lợi ích của tất cả chúng tôi", Tổng thống Putin nhận định, đồng thời cho biết xây dựng, nông nghiệp và năng lượng sẽ là những ngành tái khởi động đầu tiên.
Trung Quốc và Hàn Quốc đang đối mặt với những ca mắc nội địa lây lan trong cộng đồng. Số liệu thống kê của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc công bố sáng 11/5 cho thấy, Trung Quốc đại lục đã có 17 ca Covid-19 mới trong ngày 10/5. Trong đó, 7 ca nhập cảnh đều ở Khu tự trị Nội Mông Cổ, 10 ca còn lại là bệnh nhân trong nước, 5 ca trong số đó ở thành phố Vũ Hán. Hàn Quốc cũng ghi nhận nhiều ca mắc nội địa mới từ ổ dịch ở các quán bar.
Sau khi chứng kiến làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ hai tại các khu ký túc xá của lao động nước ngoài, số ca mắc mới ở Singapore bắt đầu giảm dần. Trong 24h qua, Singapore ghi nhận 486 ca mắc Covid-19 và 1 ca tử vong vì dịch bệnh này. Như vậy, quốc gia này hiện có 23.822 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 21 người tử vong.
Số ca mắc mới ở Indonesia và Philippines vẫn ở mức 3 chữ số, lần lượt là 233 và 292 ca. Indonesia hiện có 14.265 ca Covid-19 và 991 ca tử vong trong khi Philippines ghi nhận 11.086 ca mắc và 726 trường hợp tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/5 đã khen ngợi một số quốc gia có tỷ lệ ca mắc mới và ca tử vong vì Covid-19 giảm dần, song cũng kêu gọi các nước cần "tuyệt đối thận trọng" khi họ nới lỏng các quy định phong tỏa.
"Tin tốt là đã có một sự thành công lớn trong việc làm chậm sự lây lan của virus và vì vậy đã cứu sống nhiều người", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định. Người đứng đầu chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan cũng cho biết việc dỡ bỏ dần các quy định phong tỏa là một dấu hiệu của "hy vọng" song cũng cảnh báo rằng "việc tuyệt đối thận trọng là điều cần thiết".
Đến nay, thế giới ghi nhận hơn 4,2 triệu ca mắc Covid-19 và 286.603 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này./.
Theo VOV.VN