Minh họa: Hữu Phương
Bóng tối ngân ngấn, tiếng ếch ộp oạp từ bờ ao vọng vào, gió đẫm hơi nước lành lạnh khiến chị khẽ rùng mình. Khóm tre đầu ngõ như hình một gã quái vật khổng lồ - nỗi sợ của thằng Tuấn hồi nhỏ đến nỗi đêm không dám đi tiểu. Mất điện, trong nhà tối bưng, tiếng muỗi ỉ eo. Thằng bé bó gối nhìn những tia chớp nhập nhằng chạy về phía chân đê.
- Mẹ...
- Sao con?
- Trời sắp mưa rồi mẹ...
- Ừ, mưa xuống cho mát!
Nó quay đi, im lặng một hồi rồi lại cất tiếng:
- Mẹ ơi...
- Có chuyện gì vậy con? - Quầng sáng đèn dầu hắt lên soi rõ bờ môi run run của thằng Tuấn.
- Mẹ ơi, con...
- Học hành có vấn đề gì à? Hay con phải đóng thêm khoản gì, cứ nói, mẹ xoay sở được!
- Dạ... con... nếu con đồng tính, mẹ có giận con không? - Mắt thằng bé rấn nước, bàn tay nó lạnh ngắt siết chặt lấy bàn tay chị.
Chị thấy mình không thở được, tai ù ù như cối xay gió. Chị cảm nhận rõ mồn một có gì đang vỡ vụn và những mảnh sắc ấy cứa vào tim ứa máu.
- Cha con đã như thế, bây giờ con lại... mẹ biết sống sao đây?
Chị đẩy tay nó ra rồi bỏ vào trong nhà. Tuấn gục mặt xuống, mặc cho mưa hắt vào lưng. Không... Không thể như thế được! Từ nhỏ đến lớn, nó là một đứa cứng cỏi, mạnh mẽ lắm! Phải rồi... chắc chỉ là bồng bột nhất thời thôi! Nó là hy vọng duy nhất để chị bám víu vào cuộc đời này cả khi ngã gục xuống đau đớn, ê chề sau trận đánh của chồng.
Chị năm nay ngoài 40 tuổi, là công nhân ở một xí nghiệp giày da. Chị lấy chồng từ năm 18. Ngày ấy, làng trên xóm dưới, ai cũng xuýt xoa ngưỡng mộ vì chị lấy được anh chồng đẹp trai. Còn bây giờ thì họ lại xót xa, sao số chị đa đoan, neo đời mình vào một gã nát rượu, gia trưởng, vũ phu. Anh uống rượu còn nhiều hơn ăn cơm, có một mình, anh cũng xách chai rượu ra nhắm với dĩa xoài xanh, khế chua,... Mà cứ uống rượu say là anh chửi mắng, đánh đập vợ con. Có lần, anh cầm dao chém chị một nhát, phải khâu cả chục mũi. Hôm ấy, cả xóm hốt hoảng khi nghe tiếng thằng Tuấn thất thanh: “Cứu mẹ con với!”. Sau lần đó, anh bỏ rượu nhưng chỉ được vài bữa lại “ngựa quen đường cũ”.
Chị tăng ca đến chín, mười giờ đêm, mò mẫm đạp xe gần chục cây số đường đê về nhà... Chị nuốt nước mắt vào trong, có cả giọt nước mắt chát đắng khóc cha chị. Cha chị đau ốm liên miên, mảnh đạn ghim trong đầu cứ trái gió, trở trời lại hành ông. Anh sừng cồ giằng nửa bao lúa trên tay chị định đem bán để biếu cha tiền thuốc thang: “Mày giỏi lắm, mày lén lút lấy hết của nhà này mang về cho cha mẹ mày”. Đến cả khi ông nằm xuống, chị cũng không có tiền để góp với mấy anh chị em mua miếng đất ngoài nghĩa địa chôn ông.
Niềm an ủi duy nhất của chị là đứa con trai đang trọ học trên thành phố. Suốt mười hai năm học, nó đều đứng nhất trường, lại còn hát hay, múa giỏi. Không hội diễn văn nghệ nào từ trường đến xã, huyện mà thiếu nó. “Đẻ được đứa con như thế đúng là nở mày nở mặt!”, “Chẳng bù cho thằng con nhà em, quay đi, quay lại đã chạy ra tiệm game”. Mấy cô, mấy bác trong xóm níu chị lại bằng được để hỏi thăm chuyện đài truyền hình về quay thằng Tuấn.
Bao nhiêu yêu thương chị vun vén cả cho nó. Ngày thằng bé vào đại học, vui mừng bao nhiêu thì chị cũng lo lắng bấy nhiêu. Tranh thủ những tối không tăng ca, chị nhận đan giỏ lục bình, có đêm, chị làm đến hai, ba giờ sáng. Lần nào lên thành phố thăm nó, chị cũng lỉnh kỉnh đủ thứ nào là chai dầu ăn, nước mắm, nước tương, năm ba trái chanh, mấy trái ớt,... Tối nào, chị cũng gọi điện thoại cho thằng Tuấn: “Con ăn cơm chưa? Hôm nay con đi học thế nào? Con nhớ đi ngủ sớm nhé!”, chỉ để nghe tiếng con cho đỡ nhớ, biết con vẫn khỏe mạnh, chị mới an tâm. Mỗi lần nó cảm, sốt là chị như ngồi trên đống lửa, cả đêm cứ trằn trọc.
Sau đêm mưa gió ấy, thằng bé lảng tránh ánh mắt của chị. Đến bữa, nó và vội mấy miếng qua quýt cho xong. Nó ngồi như tượng bên cửa sổ suốt đêm, gần sáng, mệt quá, ngủ gục bên bàn học. Chị lại gần định lay nó dậy nhưng ngập ngừng rụt tay lại khi thấy nó gối đầu lên trang nhật ký với dăm ba dòng chữ nguệch ngoạc: “Mẹ ơi, con biết dù có ngàn lời xin lỗi cũng chẳng thể làm mẹ nguôi ngoai! Mẹ thất vọng về con nhiều lắm đúng không mẹ? Nhưng con không thể lừa dối chính bản thân mình thêm một giây, một phút nào nữa! Bao năm qua, con gồng mình lên để làm một thằng con trai... một thằng con trai như bố mẹ kỳ vọng! Nhiều khi con mệt quá, thèm được rúc vào lòng mẹ như hồi thơ bé và nói hết những điều giấu kín nhưng không dám! Con muốn được sống đúng với giới tính của mình! Đó là hạnh phúc của con, mẹ ạ!...”.
Giọt nước mắt của chị rơi xuống má Tuấn làm nó tỉnh giấc. Nó ngước lên, bắt gặp ánh mắt đẫm ướt của chị liền luống cuống chụp lấy cuốn sổ giấu sau lưng. Chị nghiêng đầu, nhoẻn cười, ôm siết thằng bé trong vòng tay vỗ về. Dù có thế nào đi chăng nữa, nó vẫn là đứa con bé bỏng của chị, là nguồn sống của chị. Nhưng chị không dám tưởng tượng cái ngày ông chồng nát rượu, gia trưởng, đặt sĩ diện lên đầu kia biết chuyện này thì gia đình chị sẽ ra sao. Chị tự nhủ, mẹ sẽ dắt tay con đạp lên chông gai bước tới cầu vồng./.
Đào Mạnh Long