Tiếng Việt | English

04/10/2020 - 09:20

Cây trồng trong ký ức

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Hồi nhỏ, tôi hay hỏi nội, ai đã trồng những cây thốt nốt cao to trên gò ông Tà? Bà nội trầm ngâm nhớ lại hồi lâu rồi trả lời, chắc là ông Tà trồng đó con. Tôi tròn mắt nhìn, có thể hồi còn nhỏ, bà nội cũng từng hỏi bà cố những câu như vậy. Và nhiều nữa, những đứa trẻ lớn lên trên vùng đất núi này, chắc hẳn cũng từng thắc mắc, những cây thốt nốt ấy do ai trồng mà nên?

Không thắc mắc làm sao được, khi mỗi trưa tụi trẻ chăn bò kéo nhau về dưới gốc cây thốt nốt. Cây to vươn cao, bóng cây tròn như cái dù lớn che mát một khóm sân. Lá cây rộng và chắc, khoảng trời lý tưởng cho chim về trú ngụ, mỗi trưa đứng trên buồng thốt nốt hót líu lo líu lít. Thằng Chau Mén mở cái cà-mèn ra, mấy con cá khô nằm chèo queo trên lớp cơm trắng. Nó hái mớ rau dại, cắn trái tiêu ớt, miếng khô, và cơm ăn một cách ngon lành. Nhiều lúc tôi tự hỏi, ai đã dạy thằng Chau Mén ăn rau rừng, tiêu ớt. Nó cười, “tụi tao từ trong bụng mẹ đã biết ăn rau, ăn tiêu ớt và uống thốt nốt”. Nói xong nó đưa trái tiêu ớt về phía tôi và cười tươi rói…

Những đứa trẻ như thằng Chau Mén chăn bò, những đứa đánh xe ngựa ngoài lộ hoặc cả những đứa không làm gì, chỉ đi theo chơi như tôi đều từng có giấc ngủ trưa ngon lành dưới tán cây thốt nốt. Kế miếu ông Tà, cỏ chỉ mọc quanh như tấm thảm nhung mềm mại. Tụi nó quy ước rằng nơi đó chỉ duy nhất để ngủ trưa, tuyệt đối không để bò lên ăn; đứa nào chân cẳng sạch sẽ thì mới được lên thảm cỏ. Không biết bao nhiêu đứa đã nằm và lăn lóc trên tấm thảm đó, mà cỏ bốn mùa vẫn xanh um, không bao giờ dập chết hay héo úa. Thằng Chau Mén nói, tụi cỏ quen rồi! Cũng như tụi trẻ Khmer đen nhùi nhụi, đầu cháy nắng, quen rồi!

Mẹ tôi nói, trong xóm, thằng Chau Mén là đứa mạnh mẽ nhất. Mẹ nó mang bầu, đi chăn bò thuê rồi đẻ rớt nó bên miếu ông Tà (chắc là cũng trên thảm cỏ). Người ta đi lấy nước thốt nốt nghe tiếng trẻ khóc nên chạy đến, đánh xe bò đưa mẹ con nó ra trạm xá. Nắng nôi, hôi cỏ vậy mà nó vẫn mạnh giỏi. Mười ba tuổi nó biết chăn bò, một mình chăn sáu, bảy con bò như chơi… Chau Mén hay nói với tôi, lớn lên tao sẽ làm bác sĩ hay làm kỹ sư. Hỏi để chi, nó nói để khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con trong sóc. Để trồng nhiều cây thốt nốt nữa, cho thành rừng, đi đâu cũng thấy thốt nốt hết. Thằng Chau Mén nói, sắc mặt nó rất quyết tâm, giống hệt như người cầm vàm đua bò trên chùa hồi Tết.

Ước mơ của thằng Chau Mén bị nắng bốc hơi đi, khi nhà nó thì quá nghèo; trường thì xa mà trước mắt đồng tiền cần hơn con chữ. Nó không đến trường nữa, mà nhờ tôi mỗi buổi mang sách vở vào gò ông Tà cho nó mượn học. Mẹ tôi vẫn hay nói, con thấy thằng Chau Mén không? Nó nghèo khổ vậy mà vẫn cố học! Nhưng tôi biết sự cố gắng của Chau Mén vẫn không ăn thua, khi chỉ hơn tuần sau là nó không theo kịp bài. Nó bỏ cuộc một năm sau đó. Tôi không còn thấy đàn bò bảy con của Chau Mén ở trên gò, thay vào đó nó sẽ ở tít mù trên ngọn thốt nốt, quăng một trái ngay trước mặt tôi mỗi lần tôi đi về ngang. Nó theo nghề trèo thốt nốt!

Tôi mê cái nghề trèo trên cây, nghĩ rằng lên đó sẽ nhìn thấy cả cánh rừng thốt nốt và chỏm núi phía chân đồng. Nhưng tôi không thực hiện được bởi chỉ leo bốn nấc than tre người ta kẹp vào thân cây, là tôi đã thấy chân mình rung, tim thì đập mạnh. Thằng Chau Mén nói, “ông Tà không cho mày leo rồi. Thôi, mày theo nghề bác sĩ của tao đi, tao giao hết cho mày… Tao không thể bỏ được cánh rừng thốt nốt này mày à, nó là linh hồn của sóc, là máu thịt của tao!”.

Những năm học ở trường làng, lần nào đi về ngang hàng thốt nốt, tôi cũng ra tiếng hú “hú hu, hú hu” như con cúm núm kêu bầy. Sẽ có một tiếng “hú hu, hú hu” trên ngọn cây vọng lại. Thằng Chau Mén vác trên vai đầy những ống tre chứa đầy nước thốt nốt, rót cho tôi một ca đầy: “Mày uống đi, ngọt lắm, nhưng nhớ đừng có uống nhiều, cái thứ ngon ngọt này mà uống quá sẽ bị say máu ngà”.

Tôi vào trường y, mẹ và các em dọn nhà lên phố. Nhiều năm rồi hiếm khi trở về quê, tôi cũng không còn nhắc nhớ mình cái nơi xa ấy nữa. Cũng không biết tại sao, tại sao?

Một bữa bạn đi Tri Tôn về tặng cho mấy thẻ đường thốt nốt. Cầm thẻ đường được gói bằng lá thốt nốt non trên tay, bỗng dưng thèm quá cái mùi béo ngậy, ngọt dịu của mẻ đường mới nấu; cái vị ngọt ngào thoáng chút mùi chua và đắng nhẹ của nước thốt nốt tươi. Chợt nhớ trong ký ức mình có một nơi xa, dưới chân núi Tô, một gò đất ông Tà, cánh rừng thốt nốt kề bên Sóc Chét. Có lẽ bây giờ Chau Mén đang chuyền từ cành cây này sang cành cây khác với những ống tre đựng thốt nốt trên lưng. Nó có thực hiện được ước mơ chăm lo sức khỏe cho cả sóc và trồng hằng hà sa số những cánh rừng thốt nốt hay không?

Hôm sau, tôi đón xe đò sớm, về quê. Cánh rừng thốt nốt trên đồi chỉ còn một vài cây trơ trọi. Có gì xao động ở phía xa. Chau Mén mừng rỡ ôm tôi vào lòng. Nhưng Chau Mén bây giờ không như trước nữa. Nó không còn khét nắng, ốm o, cũng không còn trèo thốt nốt nấu đường. Những cây thốt nốt có tuổi gần bằng một đời người đáng giá ba chỉ vàng, thứ vàng có thể khiến người ta no đủ.

Nhà Chau Mén nay đã khang trang, mấy đứa nhỏ không còn khét nắng như cha nó hồi trước. Sóc Chét đã thay da đổi thịt rất nhiều. Ngôi nhà cũ của tôi bán cho người ta, giờ mọc lên một ngôi nhà hai tầng cao lớn. Chau Mén nói, đổi đời rồi, đổi đời rồi, không cần làm bác sĩ nữa đâu, bây giờ có tiền, ra chợ là có bác sĩ lo…

Tôi chợt thấy nhớ nhung, bồi hồi và ngậm ngùi nhìn những cây thốt nốt cao to của tuổi thơ mình trở thành đồ mỹ nghệ, nhưng biết làm sao hơn. Ai lại không muốn bà con phum sóc no ấm. Tôi ngậm ngùi nói với Chau Mén, ở phố có trồng được thốt nốt không? Chau Mén cười, dễ ợt, kêu xe bứng một cặp đem về mà trồng…/.

Lê Quang Trạng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích