Tiếng Việt | English

19/11/2018 - 16:40

CEO Apple: Các quy định bảo mật thông tin là điều "không thể tránh"

Trong bối cảnh vấn đề bảo mật thông tin ngày càng gây nhiều lo ngại, trong khi các biện pháp quản lý lại chưa thực sự đuổi kịp tốc độ phát triển của công nghệ, Giám đốc điều hành của Apple Tim Cook dự đoán việc chính phủ ban hành các quy định mới với các công ty công nghệ và mạng xã hội nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ là điều "chắc chắn xảy ra."

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn với mạng thông tin Axios và được phát trên kênh truyền hình HBO ngày 18/11, CEO của Apple tin rằng Quốc hội Mỹ sẽ xem xét vấn đề này. 

Dù khẳng định mình không thực sự thích các quy định, nhưng ông thừa nhận cần phải có các quy định rõ ràng ở "mức độ nào đó."

Ông cho rằng Quốc hội Mỹ và chính quyền Washington sẽ sớm thông qua một số quy định nhằm quản lý hiệu quả hơn lĩnh vực này.

Các phát biểu trên đánh dấu một sự thay đổi lớn trong quan điểm của CEO hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. 

Trước đây, ông Tim Cook luôn được biết đến là người ủng hộ mạnh mẽ việc các công ty công nghệ tự quản lý, đặc biệt trong vấn đề bảo vệ thông tin người dùng.

Nhưng sau vụ bê bối công ty tư vấn Cambridge Analytica thu thập trái phép dữ liệu của hàng triệu người dùng Facebook, CEO Tim Cook đã nhìn nhận ngành công nghệ giờ "đã vượt ra ngoài" phạm vi có thể tự quản lý.

Trước đó, hồi cuối tháng 10, phát biểu tại Hội nghị quốc tế về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư diễn ra tại Brussels (Bỉ), CEO của Apple cũng đã lên tiếng ủng hộ các nhà lập pháp Mỹ xây dựng luật quyền riêng tư liên bang để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng Internet. 

Ông Cook cho rằng luật này nên cho phép tối thiểu hóa dữ liệu cá nhân và buộc các công ty không thu thập dữ liệu người dùng ngay từ đầu.

Ngoài ra, người dùng cũng có quyền được biết những dữ liệu nào đang được thu thập và với mục đích gì và có quyền quyết định hình thức thu thập nào là hợp pháp. 

CEO Apple đã hoan nghênh nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng thông qua việc ban hành Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) và cho rằng các quốc gia khác trên thế giới, trong đó có cả Mỹ, cần tiếp bước EU.

Giữa tâm "bão" của các bê bối rò rỉ thông tin vốn làm chao đảo các đối thủ chính như Google hay Facebook, cho tới nay, Apple vẫn "bình yên vô sự" vì các sản phẩm của hãng hầu hết được thiết kế để chính Apple cũng không thể nắm dữ liệu người dùng. 

Mô hình kinh doanh của Apple không dựa trên việc thu thập dữ liệu người dùng để phục vụ các mục đích thương mại, công ty này chủ yếu bán phần cứng các thiết bị điện tử và ngày càng chú trọng hơn tới các dịch vụ lưu trữ, thanh toán và streaming./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết