Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là các bé gái trong độ tuổi vị thành niên, xảy ra khiến dư luận rất bức xúc. Một trong những vấn đề được đề cập là làm thế nào để bảo vệ trẻ và để trẻ biết cách tự bảo vệ mình?
Cha mẹ có tự hỏi, liệu mình đã hết sức để phòng tránh cho con khỏi tình huống bị xâm hại chưa? Liệu sự chủ quan của mình có khi nào vô tình biến con thành miếng "mồi ngon" cho tội phạm? Thay vì sợ hãi, không cho phép con rời khỏi tầm kiểm soát của mình thì cha mẹ hãy chủ động bảo vệ các em bằng cách trò chuyện thẳng vào vấn đề, dạy trẻ biết cách phòng tránh bị xâm hại.
Rất nhiều cha mẹ không hề nói cho con biết những vùng "cấm" trên cơ thể như mông, cơ quan sinh dục, ngực thì không được phép để người khác đụng chạm, nhìn, ngoài cha mẹ, bác sĩ, y tá khi khám bệnh. Cha mẹ nên dạy con cụ thể với người thân thiết nào mới có thể vòng tay ôm hay hôn. Nếu con không thích, con hoàn toàn có thể nói "không"; tập cho con mặc đồ lót càng sớm càng tốt, đấy là cách để con biết được phần nào của cơ thể là phần kín.
Vô số trường hợp cha mẹ "giao trứng cho ác", gửi con cho hàng xóm hoặc nhờ xe ôm đưa đón con. Đương nhiên, không phải ai cũng là người xấu. Tuy vậy, hạn chế gửi con một mình với người không phải thân thiết, ruột thịt là điều nên làm.
Nhiều trẻ bị xâm hại không phải hình thức giao cấu nên có thể không thấy tổn thương ở bộ phận sinh dục nhưng có các hình thức khác khiến trẻ khủng hoảng tâm lý. Cha mẹ đừng phớt lờ khi con sợ hãi, khóc lóc, ngủ không ngon, nhắc tên ai đó thì hốt hoảng. Khi nhận ra các dấu hiệu bất thường này, cha mẹ nên nhẹ nhàng hỏi con, đừng thúc ép khiến trẻ sợ hãi mà giấu nhẹm hoặc kể sai lệch.
Bảo vệ con khỏi nguy cơ bị xâm hại là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, song cha mẹ là người gần gũi con nhất, nên dành thời gian, tâm trí quan tâm và trò chuyện để con biết cách bảo vệ bản thân./.
Trần Nguyên