Tiếng Việt | English

08/10/2021 - 01:35

Chăm lo cho dân trong đại dịch

Trong những ngày dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, Long An còn đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Huy động nhiều nguồn lực chăm lo cho người dân

Trong đợt dịch thứ 4, Long An là một trong những tỉnh, thành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch, mọi mặt đời sống KT-XH gần như bị “đóng băng”. Các hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ, buôn bán,... tạm dừng, kéo theo đó một lượng lớn người lao động (LĐ) không có việc làm, mất thu nhập.

Đơn cử, trước đợt dịch thứ 4, trên địa bàn tỉnh có 13.483 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động với khoảng 370.000 LĐ. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chỉ còn khoảng 1.500 DN hoạt động, trong đó có khoảng 800 DN hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với hơn 42.600 LĐ làm việc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người không có việc làm, thu nhập, cuộc sống trở nên khó khăn hơn.

Đại diện Công ty An Phú Sinh trao tặng gạo cho người dân xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh - Trương Văn Nọ cho biết: “Cùng với công tác phòng, chống dịch, tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ngoài hỗ trợ từ ngân sách, tỉnh còn huy động, xã hội hóa nhiều nguồn lực để chăm lo cho người dân, LĐ gặp khó khăn do đại dịch. Sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời đó đã tiếp sức, giúp mọi người vượt qua giai đoạn khó khăn”.

Nhiều chương trình, phong trào an sinh xã hội giữa đại dịch được cá nhân, tổ chức, đơn vị, DN đồng hành thực hiện như trao túi quà an sinh, tặng gạo cho người dân gặp khó khăn; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê phòng cho người ở trọ; tặng nhu yếu phẩm, rau, củ, quả cho người dân ở các vùng phong tỏa, khu cách ly,... Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Phước Hùng, dù bị ảnh hưởng, tác động do dịch bệnh nhưng nhiều DN, cá nhân, tổ chức vẫn có những đóng góp, hỗ trợ rất thiết thực cho công tác an sinh xã hội tại địa phương.

Qua đó, địa phương có thêm nguồn lực để phòng, chống dịch hiệu quả và chăm lo đời sống cho người dân. Như nhiều DN khác, Công ty (Cty) Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Phú Sinh đã hỗ trợ kinh phí và các nhu yếu phẩm với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng, trao tặng người dân đang sinh sống tại huyện Cần Giuộc gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng An Phú Sinh - Lê Văn Trường bày tỏ: “Cùng với hoạt động đầu tư, kinh doanh, Cty luôn xác định trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển của địa phương và nâng cao đời sống cho người dân. Mong rằng, sự hỗ trợ của Cty sẽ góp phần cùng địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh, giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Theo thống kê, đến cuối tháng 9, tỉnh tiếp nhận được nhiều nguồn hỗ trợ quà, tiền, nhu yếu phẩm cho gần 228.000 người với trị giá quy ra tiền là 355.531 triệu đồng.

Triển khai thực hiện tốt các gói an sinh xã hội của Nhà nước

Ngoài huy động các nguồn lực xã hội hóa, tỉnh còn quan tâm triển khai, thực hiện kịp thời, nhanh chóng các gói an sinh xã hội của Nhà nước theo đúng quy định. Khi có kế hoạch và quyết định triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp phối hợp trưởng ấp nhanh chóng lập danh sách cấp phát tiền hỗ trợ cho người thuộc diện được thụ hưởng. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Các địa phương chia thành nhiều đoàn khác nhau để đi địa bàn thực hiện rà soát nhằm đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ”.

Tỉnh huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ người dân, lao động gặp khó khăn

Theo rà soát, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 01/7/2021 của Chính phủ, tỉnh có 713.450 người thuộc đối tượng được thụ hưởng với số tiền 1.078.529 triệu đồng. Đến cuối tháng 9 đã hỗ trợ cho 424.166 người, số tiền 324.993 triệu đồng. Trong khi đó, theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh có 519.419 người thuộc diện được thụ hưởng gói hỗ trợ này với số tiền 690.467 triệu đồng.

Hiện tỉnh đã triển khai hỗ trợ cho 345.547 người, số tiền 200.845 triệu đồng. Song song đó, thực hiện Quyết định số 1415/QĐ-TTg, ngày 20/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh có 53.800 người được hỗ trợ 807 tấn gạo.

Công an tích cực vận động các nguồn lực để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân

Như nhiều trường hợp khác, gia đình chị Nguyễn Thị Phương (đang ở trọ tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) cũng mất việc làm do Cty ngừng hoạt động để phòng, chống dịch. Dịch bệnh kéo dài nên số tiền tích lũy được cũng cạn kiệt. “Cuộc sống của vợ, chồng và 2 đứa con càng thêm khó khăn. Cũng may, gia đình nhận được những sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, mạnh thường quân, chủ nhà trọ nên cố gắng bám trụ lại rồi tùy tình hình sẽ tính tiếp” - chị Phương nói.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Nhà nước cho những trường hợp thuộc diện được thụ hưởng còn lại. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội hóa để chăm lo cho người dân, LĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ xem xét cấp 2.300 tấn gạo cho công nhân, người LĐ đang ở nhà trọ và nghiên cứu xem xét bố trí cho tỉnh 40% kinh phí hỗ trợ người LĐ không có giao kết hợp đồng LĐ bị mất việc do dịch bệnh./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết