Tiếng Việt | English

09/07/2021 - 08:58

Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Nền tảng hướng đến nâng cao chất lượng dân số

Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe (CSSK), nhất là sức khỏe của phụ nữ (PN) ngày càng tăng. Việc quan tâm CSSK không chỉ giúp PN nâng cao chất lượng cuộc sống, duy trì nòi giống mà còn là yếu tố góp phần giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Việc quan tâm đến sức khỏe sinh sản tạo tiền đề cho việc mang thai và sinh con an toàn, khỏe mạnh

Cần khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần

Theo Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản (SKSS), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - BS CKI Lê Thị Kim Xuyến, PN cần quan tâm đến việc CSSKSS của bản thân, đặc biệt là khám bệnh phụ khoa (PK). Vì đây là bệnh thường gặp không chỉ riêng PN đã lập gia đình có quan hệ tình dục mà còn gặp ở người chưa có quan hệ tình dục.

Các bệnh PK gây viêm nhiễm tại bộ phận sinh dục nữ thường gặp: Viêm âm đạo, cổ tử cung, phần phụ, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, viêm vùng chậu, rối loạn kinh nguyệt,... Có nhiều nguyên nhân gây bệnh như tâm lý căng thẳng, thói quen sinh hoạt không bảo đảm, vệ sinh không đúng cách, mất cân bằng nội tiết hay lây nhiễm từ người khác,... Các dấu hiệu nhận biết khí hư bất thường ở vùng kín là tanh hôi, ngứa rát, đau bụng, chảy máu âm đạo bất thường,... Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày, thậm chí tác hại nghiêm trọng đến SKSS của PN.

Theo báo cáo của Khoa SKSS thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An, năm 2020, toàn tỉnh có 178.779 lượt người khám PK, trong đó số điều trị PK là 61.971. 6 tháng đầu năm 2020, số lượt khám PK là 84.510, số điều trị PK là 37.135 nhưng 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh chỉ có 37.852 lượt khám và 16.371 lượt điều trị. Do dịch Covid-19 nên số khám và điều trị thấp hơn rất nhiều so với năm 2020.

Ngoài ra, chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) cũng bị ảnh hưởng. Do đó, PN cần chủ động theo dõi, khám PK định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt là tầm soát ung thư cổ tử cung (UTCTC) và ung thư vú. Khi phát hiện có khí hư bất thường, nên đến các phòng khám chuyên khoa để điều trị thích hợp, tránh trường hợp tự ý mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ.

Phụ nữ cần quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân, đặc biệt là khám bệnh phụ khoa

Tầm soát ung thư cổ tử cung

Thời gian qua, Long An có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác CSSKSS; trong đó, chú trọng làm mẹ an toàn, chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ, KHHGĐ, phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và lây truyền qua đường tình dục. UBND tỉnh có Quyết định số 15/QĐ-UBND, ngày 03/01/2020 phê duyệt Đề án sàng lọc UTCTC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Điều đó cho thấy, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc SKSS cho PN, đặc biệt là UTCTC.

Đến nay, đề án đang trong quá trình thực hiện theo đúng tiến độ, góp phần sàng lọc, phát hiện sớm các tổn thương tiền UTCTC và tiếp cận điều trị sớm tại địa bàn tỉnh và ưu tiên tuyến y tế cơ sở.

Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 600-700 trường hợp tử vong do thai nghén và sinh đẻ. Trong khi đó, tử vong do UTCTC có thể lên đến 2.500-2.700 trường hợp/năm, cao gấp 4 lần tử vong do thai nghén và sinh đẻ. Nhiều PN được cứu sống từ các biến chứng liên quan đến thai nghén và sinh đẻ nhưng sau đó có thể mắc và tử vong vì các bệnh ung thư PK khác, bao gồm UTCTC.

“UTCTC là bệnh lý ác tính tại cổ tử cung, bệnh thường do vi-rút HPV gây ra. Bệnh thường gặp ở PN từ 30 tuổi trở lên. UTCTC đứng hàng thứ 2 trong các loại ung thư sinh dục ở PN về tỷ lệ mắc và tử vong. Tại Việt Nam, mỗi ngày có 7 PN tử vong vì UTCTC và 14 trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh” - BS CKI Lê Thị Kim Xuyến cho biết.

Những PN dễ mắc bệnh UTCTC là người nhiễm vi-rút HPV, quan hệ tình dục sớm hoặc quan hệ với nhiều người; sinh nhiều con; vệ sinh sinh dục không đúng cách; viêm cổ tử cung mạn tính; nhiễm khuẩn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục; những người hút thuốc lá, bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,...

Trong giai đoạn đầu, PN mắc bệnh thường không có triệu chứng, chỉ khi đi khám định kỳ và làm các xét nghiệm tầm soát UTCTC mới phát hiện được bệnh. Giai đoạn muộn xuất hiện các triệu chứng ra máu bất thường từ âm đạo như ra máu khi quan hệ tình dục, ra máu giữa kỳ kinh nguyệt, ra máu kéo dài hơn so với chu kỳ kinh nguyệt bình thường, ra máu khi đã mãn kinh; đau bụng dưới hoặc vùng xương chậu; đau khi quan hệ tình dục; tiết dịch âm đạo bất thường như dịch có mùi hôi lẫn máu,...

Cũng theo BS Kim Xuyến, để phòng ngừa bệnh UTCTC, không nên quan hệ tình dục quá sớm, không hút thuốc lá; sống chung thủy một vợ một chồng, quan hệ tình dục an toàn. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt KHHGĐ, không nên sinh quá nhiều con; khám PK định kỳ và thực hiện các xét nghiệm tầm soát UTCTC. Có nhiều phương pháp sàng lọc UTCTC: Quan sát cổ tử cung với acid acetic/lugol (VIA/VILI), phương pháp cổ điển và phương pháp nhúng dịch, DNA/ARN HPV hoặc kết hợp (Co-testing). Đồng thời, nên tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV cho trẻ gái và PN từ 9-26 tuổi. Bệnh UTCTC nếu được phát hiện sớm và xử trí đúng có thể điều trị khỏi hoàn toàn.

Chăm sóc SKSS/KHHGĐ là nền tảng quan trọng để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng DS. Khi hiểu rõ được tầm quan trọng của việc chăm sóc SKSS, PN sẽ ý thức hơn trong tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe bản thân. Đặc biệt, với PN trong độ tuổi sinh đẻ, việc quan tâm đến SKSS cũng tạo tiền đề cho việc mang thai và sinh con an toàn, khỏe mạnh, góp phần cải thiện chất lượng giống nòi./.

Địa điểm tư vấn và tầm soát UTCTC:

- Phòng khám sản phụ khoa của các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã;

- Tư vấn tầm soát và xét nghiệm UTCTC tại Phòng khám Sản phụ khoa - KHHGĐ (điện thoại: 0272.382.6470 - Số 4, Lý Thường Kiệt, phường 1, TP.Tân An);

- Tư vấn và tiêm ngừa UTCTC tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (điện thoại: 0272.382.4723 - Số 102, Quốc lộ 62, phường 2, TP.Tân An).

Phạm Ngân - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích