Tiếng Việt | English

25/12/2020 - 08:32

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vì tương lai của thế hệ trẻ

Chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực cũng như tương lai giống nòi. Do đó, công tác chăm sóc SKSS VTN/TN cần có sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và xã hội Ảnh: Phạm Ngân

Cần dành sự quan tâm đặc biệt đến vị thành niên, thanh niên

VTN/TN là nhóm dân số chiếm số lượng lớn, nguồn nhân lực kế cận nên luôn được xã hội đặc biệt quan tâm. Đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa trẻ em và trưởng thành, các em có nhu cầu tìm hiểu, khám phá bản thân, bắt đầu có những rung động đầu đời. Khi có vấn đề thầm kín, các em thường tìm đến bạn bè để chia sẻ hoặc giấu không cho ai biết, do đó, cha mẹ, thầy cô phải có sự gần gũi, cởi mở để các em tin tưởng và mở lòng.

Em Trần Nguyễn Như Ý (lớp 11A4, Trường THPT Thủ Thừa) chia sẻ: “Với những thay đổi về tâm sinh lý, nhiều bạn ngại chia sẻ với thầy cô, cha mẹ. Trường em thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục giới tính. Đây là những hoạt động rất bổ ích vì có những điều chúng em không dám hỏi, thay vì lên mạng tra cứu, tự tìm hiểu thì được thầy cô cùng các chuyên gia giải đáp tận tình”.

Thầy cô phải có sự gần gũi, cởi mở để các em tin tưởng và mở lòng, sẵn sàng chia sẻ

Cô Nguyễn Thị Kim Phụng - Giáo viên (GV) phụ trách phòng Tư vấn tâm lý học đường Trường THPT Chuyên Long An, cho biết, các vấn đề học sinh (HS) thường gặp là căng thẳng trong học tập, định hướng nghề nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình và đặc biệt là tình cảm tuổi mới lớn. Khi đó, tôi sẽ đưa ra lời khuyên để các em vơi bớt nỗi buồn, hướng đến suy nghĩ tích cực. Đặc biệt, tôi định hướng để các em giữ tình cảm trong sáng phù hợp lứa tuổi, không vượt quá giới hạn. HS Trường THPT Chuyên Long An hầu hết đều rất ngoan, ý thức tốt, các em rất mở lòng và sẵn sàng chia sẻ.

“Vẽ” đường để “hươu” chạy đúng

“Vẽ đường cho hươu chạy” là câu nói quen thuộc của thế hệ trước khi nhắc đến vấn đề giới tính ở trẻ VTN. Tuy nhiên, ngày nay, “vẽ” cho “hươu” chạy đúng vẫn là điều nên làm. Trẻ VTN quan hệ tình dục khi chưa có hiểu biết đầy đủ về SKSS, xảy ra tình trạng mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục là một vấn đề đáng lo ngại. Điều này sẽ gây những hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến chính tương lai của các em. Từ đầu năm đến tháng 11-2020, tại Long An, số ca phá thai ở lứa tuổi VTN là 16, trong đó có 15 ca tại Phòng khám Sản phụ khoa - Kế hoạch hóa gia đình, đây chỉ là số liệu tại cơ sở y tế công lập, chưa thống kê được tại các cơ sở y tế tư nhân.

Các thầy cô Trường THPT Chuyên Long An sẵn sàng sẻ chia, đồng hành cùng học sinh

Một trong những phương pháp giúp nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi là đẩy mạnh tuyên truyền, có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, nhất là đưa giáo dục giới tính vào môi trường gần gũi nhất đối với các em là trường học. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An - Nguyễn Thị Như An cho biết: “Mỗi năm học, trường có khoảng 12 cuộc nói chuyện chuyên đề về SKSS, tâm sinh lý lứa tuổi VTN/TN với khoảng 4 cuộc phối hợp cùng Trung tâm Y tế TP.Tân An cùng các cuộc nói chuyện giữa các chuyên gia như Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, Thạc sĩ Bảo Ân, thầy Trịnh Thới An,... Dự kiến nhà trường sẽ mời cô Hồng hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm cho GV về việc tiếp cận các em cũng như có buổi nói chuyện để phụ huynh phối hợp nhà trường chia sẻ các vấn đề mà các em quan tâm, hỗ trợ tìm hiểu tâm lý và nâng cao nhận thức của HS. Trường cũng có 1 GV làm công tác tham vấn tâm lý đối với HS. Tuy nhiên, không riêng GV này mà tất cả GV bộ môn, chủ nhiệm, quản lý ký túc xá, Ban Giám hiệu cũng sẵn sàng hỗ trợ, giúp các em có những định hướng, hành động đúng”.

Bí thư Đoàn trường THPT Thủ Thừa - Nguyễn Huỳnh Như cho biết, nhà trường có các chủ điểm tuyên truyền hàng tháng, sinh hoạt chuyên đề về tâm lý lứa tuổi, thi hái hoa dân chủ, rung chuông vàng về chăm sóc SKSS VTN/TN,... GV bộ môn Giáo dục công dân, GV chủ nhiệm lồng ghép nói chuyện về chăm sóc SKSS vào các tiết dạy có liên quan hay sinh hoạt lớp. Đặc biệt, trường cũng phối hợp Trung tâm Y tế huyện nói chuyện chuyên đề dưới cờ về ma túy trong học đường, quan hệ tình dục, nhiễm HIV ở lứa tuổi HS,... Ngoài ra, trường còn có Fanpage, Zalo đăng tải các thông tin về hoạt động tại trường cũng như thông tin về chăm sóc SKSS VTN/TN để các em nắm bắt.

Bác sĩ Phạm Văn Luân - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thủ Thừa, cho biết: “Thời gian qua, ngành Y tế phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức 11 cuộc nói chuyện chuyên đề cho HS về SKSS VTN/TN (9 trường THCS và 2 trường THPT). Trong đó, tập trung tuyên truyền về các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, khám sức khỏe tiền hôn nhân, tình trạng lây nhiễm HIV trong học đường, đặc biệt là đối tượng MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) - đây là vấn đề “nóng” hiện nay. Chúng tôi tập trung tuyên truyền về các biện pháp phòng tránh thai, các yếu tố nguy cơ có khả năng có thai. Với lứa tuổi còn đi học, các em cần chủ động bảo vệ bản thân, phòng tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục. Khi xảy ra tình huống bất thường thì cần thông báo ngay cho nhà trường, phụ huynh để kịp thời can thiệp,…”.

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc giáo dục kỹ năng sống, chăm sóc SKSS, các bạn trẻ, nhất là đối tượng HS từng bước có nhận thức đầy đủ về giới tính, hướng đến lối sống lành mạnh và biết cách bảo vệ bản thân.

Thời gian qua, ngành Dân số đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi qua các cuộc nói chuyện chuyên đề cho VTN/TN trong các trường học và ngoài cộng đồng; viết tin, bài trên báo, phát thanh; hàng năm tổ chức trên 1.200 cuộc nói chuyện chuyên đề với hơn 40.000 người tham dự. Các trường THPT lồng ghép vào chương trình sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt hè, sinh hoạt nhóm đồng đẳng,... tạo điều kiện cho HS tham gia; tổ chức trên 1.100 buổi sinh hoạt dưới cờ cho hơn 135.000 HS, gần 600 buổi sinh hoạt đồng đẳng cho khoảng 17.000 HS. Ngoài trường học, lực lượng cộng tác viên Dân số - Gia đình và trẻ em cũng lồng ghép tư vấn về chăm sóc SKSS VTN/TN đến các hộ gia đình.

Trong công tác tuyên truyền, ngành DS gặp nhiều thuận lợi, có sự phối hợp tốt từ các ngành, các trường học nhằm hướng đến mục tiêu chung là thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc SKSS VTN/TN. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức không phải là chuyện “một sớm, một chiều” mà phải là cả quá trình lâu dài. Ngoài ra, từ trước đến nay, các bậc cha mẹ vẫn rất ngại đề cập đến vấn đề giới tính, khi các em không được định hướng đúng đắn thì càng muốn tự tìm hiểu, dễ dẫn đến nhận thức lệch lạc.

Giáo dục giới tính là hoạt động cần thiết, các bậc phụ huynh, thầy cô nên gần gũi, cởi mở hơn để hỗ trợ, định hướng cho các em. Nhà trường, gia đình và xã hội cần kết nối chặt chẽ để công tác chăm sóc SKSS VTN/TN ngày càng hiệu quả, đồng hành cùng sự phát triển của các em, vì một thế hệ tương lai tốt đẹp, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong thời gian tới”.

Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ - Đoàn Văn Ngà

 

Chủ đề Ngày Dân số (DS) Việt Nam 26/12 và Tháng hành động Quốc gia về DS năm 2020 là “Nâng cao chất lượng DS để phát triển bền vững đất nước”.

Tháng hành động Quốc gia về DS được triển khai từ ngày 01 đến 31/12/2020. Hưởng ứng tháng hành động, ngành DS sẽ tập trung truyền thông sâu, rộng về chủ đề, thông điệp chính Ngày DS Việt Nam 26/12; những thành công của chương trình DS - kế hoạch hóa gia đình của Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng trong thời gian qua; những khó khăn, thách thức của công tác DS trong thời gian tới; những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng về chuyển trọng tâm từ DS - kế hoạch hóa gia đình sang DS và phát triển; chủ trương, chính sách về công tác DS trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tuyên truyền các nội dung về DS và phát triển: Lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân khu công nghiệp, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và thanh niên (giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn, tác hại của việc phá thai, tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp,...).

Việc tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; huy động cộng đồng và truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển trong tình hình mới nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết