Tiếng Việt | English

22/12/2015 - 18:58

Chặn tin nhắn rác: TP.HCM nói Thủ tướng quyết rồi, Bộ bảo chờ

Đại diện MobiFone cho biết họ “đã hoàn thành việc đầu tư hệ thống chặn tin nhắn rác theo từ khóa và đang xây dựng bộ từ khóa để đưa vào áp dụng”.

Ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, cho biết UBND TP đang đề xuất với Bộ Thông tin - truyền thông các giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác, hạn chế số lượng tin nhắn, quản lý thuê bao trả trước...


Các biện pháp đã áp dụng cũng như đang đề xuất nhằm hạn chế tin nhắn rác giúp giảm phiền toái nhưng cũng có thể gây trở ngại cho người dùng. Trong ảnh: Thanh Huyền (trái), chủ thuê bao 01673... đăng ký dịch vụ tin nhắn dành cho sinh viên của Viettel, trung bình nhắn khoảng 100 tin/ngày. Ảnh: Quang Định

Đề xuất này nhằm mục tiêu quản lý thuê bao di động trả trước giống như trả sau mà ở đó, thông tin về khách hàng được quản lý chặt chẽ; dễ xử lý chế tài nếu phát tán tin nhắn rác hoặc các thông tin nhằm mục đích lừa đảo, lôi kéo...

Bộ đang dùng dằng “chờ thời điểm thích hợp để áp dụng”, tuy nhiên TP.HCM cho rằng: quyết định của Thủ tướng đã có hiệu lực, đã tới thời điểm làm.

Chặn 3,3 triệu thuê bao nhắn tin rác

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin - truyền thông), trong 10 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp viễn thông di động đã ngăn chặn trên 3,3 triệu thuê bao phát tán tin nhắn rác.

Trong đó, Viettel cho biết mỗi tháng ngăn chặn hàng trăm ngàn thuê bao phát tán tin nhắn rác với tổng số tin nhắn rác chặn trong 5 tháng gần đây là hơn 100 triệu tin. Nhà mạng Vinaphone cũng cho biết họ đã khóa gần 440.000 SIM rác gửi tin nhắn rác.

Tin nhắn xuất phát từ việc một số cá nhân, doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm, dịch vụ đến số thuê bao hoạt động lâu dài, có thu nhập ổn định, nhóm khách hàng tiềm năng...

Đại diện MobiFone cho biết họ “đã hoàn thành việc đầu tư hệ thống chặn tin nhắn rác theo từ khóa và đang xây dựng bộ từ khóa để đưa vào áp dụng”.

Song song đó, tổng đài MobiFone thực hiện chặn thuê bao vi phạm phát tán tin nhắn theo tần suất nhắn tin SMS, thay đổi luật chặn tin nhắn rác thường xuyên để phù hợp với thực tế; triển khai đầu số 9241 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác của khách hàng.

Đại diện Vinaphone cho biết có phân công người theo dõi, giám sát chặt chẽ các thuê bao di động trả trước có lượng tin nhắn tăng bất thường, xử lý kịp thời thuê bao phát tán tin rác và đầu số dịch vụ liên quan; thực hiện chặn online đối với các tin nhắn rác, chặn spam SMS bằng cách hạn chế một thuê bao gửi đi liên tục số lượng lớn SMS...

Tuy nhiên, Vinaphone cũng thừa nhận phương pháp chặn spam SMS bằng cách hạn chế một thuê bao gửi đi liên tục số lượng lớn SMS vẫn chưa hiệu quả.

Thực tế có nhiều trường hợp các SIM rác gửi tin nhắn đi chỉ với số lượng nhỏ và dưới dạng tin nhắn từ cá nhân đến cá nhân nên không chặn được hoàn toàn.

Bên cạnh đó còn có những trở ngại như: không có cơ sở xác định đó có phải là tin nhắn mà người dùng không mong muốn nhận hay không; chủ thuê bao cũng có nhu cầu chính đáng khi gửi nhiều tin nhắn cùng nội dung cho nhiều bạn bè, người thân...

Trước đó, cuối năm 2014, Bộ Thông tin - truyền thông cũng đã ban hành chỉ thị về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp viễn thông di động phải ngăn chặn tin nhắn rác.

Đồng thời tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi thu thập, mua bán thông tin cá nhân trái phép trên mạng, thông tin về số điện thoại di động của khách hàng...


Chị Kim Quí, chủ thuê bao số điện thoại 0905...... của MobiFone cho biết phải nhận rất nhiều tin nhắn rác. Ảnh: Quang Định

Giới hạn bao nhiêu tin: chưa biết

Theo quyết định 35/2015 của Thủ tướng, dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán trả trước) buộc phải đăng ký theo hợp đồng giống như đăng ký dịch vụ thuê bao di động trả sau, có hiệu lực từ ngày 15/10.

“Quy định này phù hợp với mục tiêu quản lý thông tin thuê bao di động trả trước hiện nay. Tuy nhiên trên thực tế, dù đã có thông tư 04 và 14 để quản lý thông tin thuê bao di động trả trước, nhưng SIM đã kích hoạt và nạp tiền sẵn trong tài khoản vẫn được bán tràn lan trên thị trường, tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo xuất phát từ sim trả trước, thông tin không chính xác vẫn tồn tại khó kiểm soát nổi”, Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM cho biết.

Theo ông Lê Quốc Cường, việc quản lý phải dung hòa lợi ích của người dân. Ở đây, việc phát tán tin nhắn quảng cáo có nghĩa là có khởi phát hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể có lợi nhuận. Tuy nhiên, việc này gây ra phiền toái cho người dân.

“Nguyên tắc là phải đem lại sự an toàn cho người dân trên hết” - ông Cường nói.

Về quy định thuê bao trả trước phải ký hợp đồng giống như thuê bao di động trả sau, ông Cường cho rằng cần phải làm như vậy mới ràng buộc trách nhiệm để quản lý được. Có ý kiến cho là phiền toái. Nhưng theo ông Cường, nếu bị phiền hà bởi các tin nhắn quảng cáo, với phiền hà khi đi đăng ký thông tin thuê bao di động thì người dân sẽ chọn cái nào?

“Tôi tin rằng với những người có nhu cầu thật sự, thì việc ra ký một hợp đồng sẽ phiền hà không bao nhiêu so với việc hằng ngày nhận hàng chục, hàng trăm tin nhắn rác. Đó là chưa kể vấn đề về an ninh. Nếu có chuyện gì xảy ra thì cái giá phải trả sẽ rất lớn, bởi không xác định được chủ thuê bao đó là ai, ở đâu” - ông Cường nói.

Về giới hạn tần suất nhắn tin, theo ông Cường, con số cụ thể phải cân nhắc trên cơ sở số liệu thống kê của toàn quốc, cân bằng xem một ngày nhắn bao nhiêu tin là vừa. “Việc thống kê này không khó” - ông nói./.

Mai Hoa-Đức Thiện/tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết