Tiếng Việt | English

27/02/2020 - 09:57

Chấp nhận rủi ro vì sức khỏe cộng đồng

Việc tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân (BN) mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh tâm thần thì nguy cơ nhiễm bệnh hoặc tại nạn nghề nghiệp đối với các y, bác sĩ (BS) là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, họ vẫn tận tụy, nhẫn nại, hết lòng chăm sóc sức khỏe BN.

Với bác sĩ Võ Quốc Trọng, bệnh nhân được khỏe mạnh chính là niềm vui, động lực để tiếp tục công việc
Với bác sĩ Võ Quốc Trọng, bệnh nhân được khỏe mạnh chính là niềm vui, động lực để tiếp tục công việc

Tận tâm vì người bệnh

Là bệnh viện (BV) đặc thù trong chăm sóc sức khỏe BN nên BV Lao và Bệnh phổi Long An là một trong những cơ sở y tế có nguy cơ lây nhiễm cao. Dù biết rằng việc chọn BV Lao và Bệnh phổi để công tác, điều trị, chăm sóc sức khỏe BN, phải thường xuyên tiếp xúc với nguồn bệnh và nguy cơ lây nhiễm cao nhưng BS Võ Quốc Trọng vẫn tình nguyện làm việc tại đây. Tốt nghiệp Trường Đại học Y Dược Cần Thơ với chuyên ngành BS đa khoa, tháng 10-2017, BS Trọng về công tác tại Khoa Lao - BV Lao và Bệnh phổi Long An.

Thời gian đầu, gia đình, bạn bè khi biết BS Trọng về đây công tác đều ngăn cản. Bởi, khi nhắc đến bệnh lao, nhiều người còn thái độ e dè, ngán ngại và lo sợ vì nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng tuổi trẻ với mong muốn cống hiến sức mình cho cuộc chiến chống bệnh lao, BS Trọng vẫn âm thầm thực hiện con đường mình chọn và xem BN như người thân của mình.

BS Trọng chia sẻ: “Khi chọn ngành y thì bất cứ BN nào tôi cũng phải tận tâm chăm sóc và điều trị. Nếu ai cũng nề hà, ngán ngại thì lấy ai làm công việc này. Người thầy thuốc phải yêu nghề thì mới có thể bám trụ được với công việc đầy gian khó. BN được khỏe mạnh chính là niềm vui, động lực để tôi tiếp tục sống hết mình với nghề và tận tâm vì sức khỏe cộng đồng”.

Tháng 4/2018, BS Trọng được luân chuyển đến Phòng Kế hoạch Tổng hợp. Tại đây, anh vừa làm nhiệm vụ chuyên môn, vừa tăng cường khám, chữa bệnh tại các khoa: Khám bệnh, Lao và Phổi của BV. Ngoài ra, anh còn đảm nhận việc giám sát, hướng dẫn trong thực hiện chương trình chống lao (Đề án 1816) cho cơ sở y tế tuyến huyện và 2 trại giam trên địa bàn tỉnh. Dù ở lĩnh vực nào, anh cũng đảm nhận nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. BS Trọng cho rằng: “Nếu làm tốt công tác chống lao thì sẽ cứu giúp rất nhiều người. Vì vậy, tôi thường xuyên đi cơ sở hỗ trợ chuyên môn, giúp tuyến y tế cơ sở làm tốt công tác phòng, chống lao trong cộng đồng, bảo vệ sức khỏe người dân”.

Vì lòng yêu nghề, điều dưỡng Bùi Công Đoàn cùng đồng nghiệp vẫn ngày đêm cố gắng, vượt qua khó khăn để phục vụ bệnh nhân

Vì lòng yêu nghề, điều dưỡng Bùi Công Đoàn cùng đồng nghiệp vẫn ngày đêm cố gắng, vượt qua khó khăn để phục vụ bệnh nhân

Tận tụy, nhẫn nại

Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, điều dưỡng (ĐD) Bùi Công Đoàn, công tác tại Khoa Tâm thần mãn tính nam, BV Tâm thần Long An, xác định, bản thân phải luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Gắn bó với BV từ những ngày đầu thành lập, đến nay, ĐD Công Đoàn có gần 5 năm chăm sóc những BN đặc biệt của mình. Đặc thù của hầu hết BN tâm thần mãn tính là sa sút, không còn khả năng tự phục vụ trong việc ăn uống, vệ sinh cá nhân. Do đó, việc quản lý, chăm sóc, điều trị và giáo dục để vào nề nếp là một quá trình lâu dài, đòi hỏi ĐD Công Đoàn phải tận tụy, nhẫn nại, coi BN như chính người thân của mình.

“Làm ĐD chăm sóc BN mắc các bệnh thông thường đã vất vả, với BN mắc bệnh tâm thần còn vất vả, nguy hiểm hơn. Bởi, BN lên cơn kích động là chuyện thường ngày. Ban đầu, tôi rất bỡ ngỡ khi tiếp cận BN, đi xuống khoa là phải có bảo vệ đi cùng nhưng dần dần cũng quen” - ĐD Công Đoàn tâm sự.

BN tâm thần bình thường rất lành tính nhưng khi lên cơn thì bất chấp tất cả. Nhiều lần chứng kiến BN la hét, đập phá đồ, ĐD Công Đoàn rất sợ nhưng anh tự trấn an mình. Bởi, khi bước chân vào ngành y thì dù đảm nhận công việc nào cũng có những khó khăn nhất định. Làm càng lâu, anh càng hiểu nghề và thông cảm với BN hơn.

Không chỉ làm tốt công tác chăm sóc mà việc nuôi dưỡng BN cũng được ĐD Công Đoàn đặc biệt quan tâm. Đối với những BN mắc bệnh nặng, không có người thân thì chính anh là người đảm nhận nhiệm vụ từ chăm sóc, cấp phát thức ăn đến vệ sinh cá nhân cho họ.

Với đặc thù nghề nghiệp, đội ngũ y, BS không chỉ chịu áp lực công việc mà còn tiếp xúc với BN thường xuyên nên nguy cơ lây nhiễm, tai nạn nghề nghiệp là rất cao. Thế nhưng, vì lòng yêu nghề, cán bộ, y, BS vẫn ngày đêm cố gắng, vượt qua khó khăn để phục vụ BN. Sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm và tình thương của đội ngũ thầy thuốc giúp BN sớm hồi phục và hòa nhập cộng đồng.

Q.Nguyên - H.Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích