Bộ GD-ĐT vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo về mức trần học phí mới các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015 - 2016 đến 2020 - 2021.
Theo đó, mức trần học phí trình độ đào tạo ĐH tại trường công lập đại trà (không tự chủ tài chính) vẫn tính theo 3 nhóm ngành nghề đào tạo như quy định trước đây gồm: khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản; khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch; y dược.
Một số trường ĐH đã được Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2017. (ảnh: Phunuonline)
Mức tăng học phí của các nhóm ngành nghề đều ở mức 10%/năm
Mức tăng học phí giai đoạn mới của tất cả các nhóm ngành nghề đều ở mức 10%/năm tính từ mức trần học phí năm học 2014 - 2015.
Cụ thể, học phí trình độ ĐH tại trường công lập năm học 2015 - 2016 sẽ dao động từ 605.000 - 880.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề. Nếu dự thảo mới này được thông qua sớm, năm học 2020 - 2021, học phí ĐH công lập có thể tăng tới mức trên 9,7 đến trên 14 triệu đồng/năm học.
Trong khi chờ nghị định mới ban hành, các trường vẫn sẽ thu học phí học kỳ 1 năm học 2015 - 2016 theo mức trần năm học 2014 - 2015 với khoảng 550.000 - 800.000 đồng/tháng (tùy nhóm ngành nghề đào tạo).
Điểm mới của dự thảo nghị định mới so với Nghị định 49 là có bổ sung mức trần học phí của trường ĐH được Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (trường tự chủ tài chính). Lộ trình tăng học phí của loại hình trường này nhằm bù đắp chi phí đào tạo.
Mức trần học phí loại hình trường này cũng được phân theo nhóm ngành nghề. Theo đó, mức trần tối đa nhóm ngành kinh tế cho năm học 2015 - 2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, trong đó riêng nhóm ngành y dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa trường ĐH thuộc khối ngành y dược nào có đề xuất chuyển qua loại hình tự chủ tài chính. Một số trường ĐH đã được Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015 - 2017 như: Mở TP HCM, Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP HCM, Công nghiệp TP HCM, Công nghiệp thực phẩm, Tôn Đức Thắng...
Trong đó, mức học phí bình quân tối đa chương trình đại trà trình độ ĐH hệ chính quy mà các trường này được phép thu dao động trong khoảng 11,5 - 16 triệu đồng (năm học 2015 - 2016); tăng lên mức 13,5 - 17,5 triệu đồng (năm học 2016 - 2017). Như vậy, so với mức trần tối đa trong dự thảo nghị định, thực tế học phí tối đa các trường thu trong năm học 2015 - 2016 đều ở mức thấp hơn.
Liệu chất lượng đào tạo có theo kịp lộ trình tăng học phí?
Theo tờ Người Đại biểu Nhân dân, GS.TS. Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GĐ – ĐT cho biết, tăng học phí là đề án mà Bộ GD - ĐT và một số trường đại học trọng điểm xây dựng. Tại thời điểm này, tất cả các dự thảo trên còn trong quá trình thảo luận. Chỉ sau khi đề án trên được Chính phủ phê duyệt và xã hội đồng thuận mới áp dụng.
Tăng học phí là vấn đề nhạy cảm xã hội, liên quan đến nhiều đối tượng xã hội, đặc biệt là dân nghèo, đối tượng chính sách. Do vậy, Bộ cũng đang nghiên cứu, cân nhắc về tất cả các đề án tăng học phí. Một số chương trình đặc biệt chất lượng cao, có yếu tố nước ngoài, thiết bị đắt tiền có thể có chế độ học phí phù hợp. Những số lượng trường, khoa thuộc diện này sẽ không nhiều.
Có một thực tế, nguồn kinh phí đào tạo của các trường ĐH, CĐ hiện nay vẫn đang dựa vào nguồn thu từ học phí. Vì vậy, việc tăng học phí là việc làm cần thiết nhưng chắc chắn người học sẽ lo lắng, dư luận sẽ có phản ứng và đặt ra quan ngại liệu người nghèo có kham nổi mức học phí cao để tiếp cận với giáo dục ĐH? Liệu chất lượng đào tạo có theo kịp lộ trình tăng học phí?
Dù mức học phí, chi phí học tập ĐH ở Việt Nam vẫn thuộc nhóm thấp so với các nước trong khu vực, song trong bối cảnh thu nhập ở những vùng nông thôn vẫn chưa mấy cải thiện, nhiều phụ huynh “ví von” chuyện tăng học phí, các khoản chi phí phục vụ cho sinh viên bây giờ không kém là bao so với đi du học./.
PV/VOV.VN (Tổng hợp)