Tiếng Việt | English

17/09/2015 - 04:27

Châu Âu “quá tải” trước làn sóng nhập cư

Làn sóng nhập cư ồ ạt vào châu Âu đang trở thành mối lo ngại lớn nhất đối với “lục địa già”, thậm chí còn cao hơn cả nỗi lo về kinh tế và thất nghiệp.

Cùng với gánh nặng nợ công, cuộc khủng hoảng người nhập cư đang khiến Liên minh châu Âu “điêu đứng” khi những tranh cãi liên quan vấn nạn này đang gây chia rẽ trầm trọng trong nội bộ khối.

D

Người tị nạn tập trung rất đông tại nhà ga đường sắt phía Đông Budapest, Hungary (Ảnh: Agencies)

 

Giới chức Liên minh châu Âu cho biết các Bộ trưởng Nội vụ của Liên minh châu Âu sẽ tổ chức hội nghị khẩn cấp về cuộc khủng hoảng di cư ở khối này vào ngày 22/9 tới, sau khi không thể đạt thỏa thuận về việc phân bổ 120 nghìn người di cư mới trong đầu tuần qua, Luxembourg nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, nói rằng mục đích của cuộc họp “bất thường” này là nhằm tập hợp các  gbộ trưởng để thông qua những kế hoạch tái phân bổ 120.000 người di cư hiện đang tạm trú ở Hy Lạp, Italy và Hungari.

Theo kế hoạch của Ủy ban châu Âu về phân bổ 160.000 người di cư, trong đó có 120.000 người di cư mới, nước dự định sẽ tiếp nhận nhiều nhất là Đức: 31.443 người, tiếp theo là Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Hà Lan, thấp nhất là Malta với 133 người.

Cùng với việc phân bổ người di cư, Ủy ban châu Âu sẽ cung cấp cho các chính phủ thành viên 6.000 euro, cho mỗi người di cư được tiếp nhận và 500 euro chi phí phân bổ cho quốc gia mà người di cư đến đầu tiên. Tuy nhiên, 4 nước Liên minh châu Âu nằm ở Đông Âu là Hungari, Cộng hòa Séc, Slovakia và Romania đã nhất quyết phản đối mức hạn ngạch người di cư phải tiếp nhận. Việc không đạt được thỏa thuận khiến Đức và Áo đang kêu gọi triệu tập cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của Liên minh châu Âu ngay trong tháng 9 này.

Có thể thấy, chỉ trong 11 ngày qua, Liên minh châu Âu đã thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác trước làn sóng nhập cư ồ ạt vào khối này. Nếu trong ngày 5/9, Đức và Áo còn “giang rộng cánh tay” để đón người nhập cư thì đến ngày 13/9, tức là chỉ 9 ngày sau đó Đức đã buộc phải thông báo tạm thời nối lại hoạt động kiểm soát tại các chốt nằm trên đường biên giới với Áo, theo đó tất cả những người đi qua ranh giới này đều bị kiểm tra hộ chiếu, thay vì tự do đi lại như trước đây. Ngay sau động thái của Đức, Áo và nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu cũng có động thái tương tự.

Hungari, nước vốn có quan điểm phản đối người nhập cư thậm chí còn lên kế hoạch xây dựng thêm một rào chắn tương tự ở biên giới với Romania, sau khi đã hoàn thành xây dựng hàng rào bằng dây thép gai dọc theo toàn bộ đường biên giới với Serbia. Những động thái trên của các nước thành viên Liên minh châu Âu cho thấy, khối này đã thực sự quá tải trước làn sóng nhập cư hiện nay.

Trong khi Liên minh châu Âu vẫn đang lúng túng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư thì dòng người nhập cư vẫn không ngừng gia tăng. Theo một báo cáo của Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (gọi tắt là Frontex) đưa ra hôm qua, chỉ từ đầu năm đến nay, có hơn một nửa triệu người nhập cư đã và đang băng qua các đường biên giới để tiến vào các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Song đây chưa phải là con số cuối cùng. Số người nhập cư sẽ còn tiếp tục tăng gấp đôi trong những ngày tới tại tất cả các đường biên giới của châu Âu.

Trong một tuyên bố tại cuộc họp báo, giám đốc điều hành Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu ông Fabrice Leggeri đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề này: “Năm nay chúng tôi ghi nhận sự gia tăng mạnh số người nhập cư băng qua các cửa ngõ của Liên minh châu Âu. Hơn 520.000 người đã đăng ký tị nạn tại Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu. Đây được xem là con số chưa có tiền lệ từ trước đến nay.”

Thực tế này cho thấy, châu Âu cần một bài toán dài hơi và toàn diện hơn để đối phó với dòng người nhập cư, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay. Theo đánh giá của các chuyên gia, để giải quyết bài toán nhập cư hiện nay, cần có sự phối hợp không chỉ của châu Âu mà cả cộng đồng thế giới và chính các nước xảy ra xung đột - nhân tố chính tạo nên làn sóng người tị nạn di cư sang châu Âu hiện nay.

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua cũng đã thừa nhận thực tế này: “Chúng tôi đồng ý với quan điểm rằng cần có sự hợp tác giữa các nước châu Âu và Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế nhằm đảm bảo sự an toàn của người nhập cư, để họ được đối xử một cách nhân đạo. Quan trọng nhất là chúng ta phải giải quyết được nguồn gốc của vấn đề, đó là cuộc khủng hoảng tại Syria, vốn gây ra làn sóng nhập cư hiện nay. Chúng ta cần thảo luận cách thức để tăng cường hợp tác”./.

Hồng Nhung/VOV- Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết