Tiếng Việt | English

23/03/2016 - 16:21

Châu Thành: Nỗ lực giảm nghèo bền vững

Huyện Châu Thành (Long An) luôn xác định công tác đào tạo nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng. Với nhiều biện pháp như hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật sản xuất, đời sống người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua từng năm. Đến cuối năm 2015, trên địa bàn huyện chỉ còn 562 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,09%.

Những kết quả tích cực

Cùng với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Thành tập trung huy động mọi nguồn lực chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trường học được kiên cố hóa, trang thiết bị phục vụ dạy và học không ngừng được tăng cường. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, chất lượng giáo dục được nâng lên.

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp các ngành liên quan và các trường dạy nghề mở 88 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn (trong đó có 73 lớp nông nghiệp, 15 lớp phi nông nghiệp), với 2.485 học viên tham gia. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang được mở rộng về số lượng, nâng cao chất lượng giảng dạy và trình độ kiến thức cho người lao động. Từ đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn huyện từ 25% vào năm 2010 lên 56,1% năm 2015.

Ông Cao Văn Ghị, ngụ ấp 2, xã An Lục Long cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện HN, tiền kiếm được ngày nào ăn hết ngày đó. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình được hỗ trợ vay vốn để chăn nuôi dê. Hiện nay, gia đình đã có cuộc sống ổn định”.

Để các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Châu Thành đưa ra các chương trình, chính sách và dự án hỗ trợ giảm nghèo có hiệu quả như: Chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ giáo dục, nhà ở, điện sinh hoạt,...

Nông dân có thu nhập ổn định với nghề chăm sóc thanh long

Tận dụng lợi thế

Nhiều năm nay, huyện Châu Thành được mệnh danh là xứ sở của thanh long, với diện tích trồng thanh long lớn nhất trong tỉnh, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm - giảm nghèo bền vững.

Bà Nguyễn Thị Ngọt, ngụ ấp An Tập, xã An Lục Long chia sẻ: “Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng và áp dụng khoa học - kỹ thật thường xuyên mà việc sản xuất của người dân ngày càng thuận lợi. Điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Chúng tôi phấn khởi khi quê hương giàu đẹp. Đó là động lực để người dân tiếp tục hăng say lao động, sản xuất”.

“Hiện nay, hầu hết người dân Châu Thành đều có việc làm ổn định. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt. Đời sống vật chất và tinh thần người dân được quan tâm sâu sắc. Công tác vận động xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới được nhân dân hưởng ứng tích cực. Từ đó, tệ nạn xã hội giảm dần, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt” - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành - Điều Thị Phương Hồng cho biết.

Trong nhiệm kỳ tới, Châu Thành phấn đấu giảm 20%/tổng số hộ nghèo hiện có; giải quyết việc làm cho 2.500 lao động/năm; bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được vay vốn phát triển kinh tế; tăng cường dạy nghề cho lao động nông thôn bảo đảm tỷ lệ lao động qua đào tạo là 60% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%);.../.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết