Tiếng Việt | English

05/02/2019 - 14:25

Chỉ cần đoàn viên, tết luôn ấm áp

Sáng mùng một, gia đình chị hai, chị ba, anh tư sang chúc tết. Tiếng cười nói rôm rả. Đám cháu tíu tít vây quanh chúc tết, nhận lì xì và được nghe kể về chuyện tết xưa, tết nay. Thì tết xưa, tết nay có khác nhưng tình cảm vẫn đong đầy như ngày xưa bởi chỉ cần đoàn viên, tết luôn ấm áp”.

Gói bánh ngày Xuân. Ảnh: Hữu Tuấn

Gói bánh ngày Xuân. Ảnh: Hữu Tuấn

Nhớ tết xưa, mới đầu tháng Chạp, má ngâm mấy ơ gạo chuẩn bị xay bột. Mấy ngày liền, cái cối đá gần góc bếp cứ hoạt động suốt, chị và má thay nhau xay, lắng lấy bột đem phơi trước sân, đám trẻ con tíu tít phụ phơi, mặt mũi lấm lem bột trắng. Ngày đó, nhà nào cũng có mấy nia bột phơi trước sân chuẩn bị tết làm bánh. Qua rằm tháng Chạp, cha ra vườn nhổ mấy bụi gừng để dành cho má làm mứt. Phần gừng nguyên làm mứt gừng, phần gừng vụn được tận dụng làm mứt dẻo, món quà quê mà đứa trẻ nào cũng mê. Ở quê đâu chỉ có mứt gừng, còn có cả mứt dừa, mứt me. Cứ qua rằm tháng Chạp, nhà nào cũng hái dừa, hái me chuẩn bị làm mứt, không khí tết rộn ràng cả xóm. Cái xóm nghèo ngày ấy, nhà nào cũng có mấy cây mai trước ngõ. Thế là tết về, nhà nhà lại tuốt lá mai, trông chừng lứa này nụ còn nhỏ nên tưới thêm ít nước, bón thêm chút phân. 

Những ngày giáp tết, hàng xóm rủ nhau bơi xuồng ra tuốt chợ huyện mua nào là thịt heo, bắp cải, củ kiệu, dưa hấu,... Xuồng đậu kín cả bến sông. Chợ tết vui thiệt vui, đông như hội, người mua bán tấp nập, ai cũng nở nụ cười tươi rói. Ngày đó, tết không thể thiếu phong pháo, thế nên nhà nào cũng chuẩn bị pháo, ít thì một phong đốt vào đêm giao thừa, nhiều thì năm, bảy phong đốt suốt ba ngày tết. Bọn trẻ con hí hửng khi được người lớn mua cho phong pháo chuột nhỏ xíu, đốt nổ cái tách nghe vui tai.

Đêm 29 tết, nhà nào cũng lục đục gói bánh ít, bánh tét. Vui lắm, tụi nhỏ hý hoáy lau lá chuối, chuẩn bị lạt buộc, cha bắc cái bếp ra sau hè chuẩn bị nấu bánh. Má và các chị cùng nhau gói bánh đến khuya, cười nói rôm rả. Đêm, sương xuống, tụi nhỏ vây quanh bếp lửa tí tách kể chuyện được may áo mới và cố gắng học thuộc những bài đồng dao chúc tết. 

Vui nhất có lẽ là đêm giao thừa. Cả nhà quây quần bên nhau, đúng 0 giờ, cha đốt phong pháo đầu tiên chào đón năm mới. Nét hân hoan hiện rõ trên từng gương mặt mỗi người. Đám trẻ con hết chạy ra lại chạy vào, bịt tai nhưng lại háo hức xem pháo nổ. Những tràng pháo đì đùng nối tiếp nhau làm rộn ràng cả một miền quê.

Sáng mùng một, con cháu quần áo chỉnh tề chúc tết ông bà, cha má. Sau đó, cả gia đình sang chúc tết họ hàng. Mai vàng nở rực khắp xóm, tết tràn về trong mọi ngõ nhà.

Tết nay, chiều 28, con tất bật chạy ra bến xe cho kịp chuyến xe cuối ngày về đón tết với má. Chuyến xe chở cả bao nhiêu yêu thương của những ngày cuối năm cố vượt qua chặng đường dài, sớm đưa những đứa con xa xứ về với quê hương. Sáng 29, mắt má kèm nhem ra đầu ngõ đón con về “Mồ tổ cha bây, tối qua nghe điện thoại, má thức sáng đêm chờ bây về!”. Con vội lau dọn bàn thờ, xếp ít bánh mứt cúng cha. Tết nay, má không còn gói bánh, cái bếp lửa sau hè cũng được dẹp từ lâu. 29 tết, trong nhà có đủ nồi thịt kho tàu, ơ cải mần dưa, nồi khổ qua hầm. Thằng con trai cả năm xa nhà, tết về bày thêm mấy thứ bánh mứt, hạt dưa, đôi ba trái dưa hấu cùng má đón tết. Đêm giao thừa, hai má con ngồi bên nhau, không còn tiếng pháo nhưng nghe lòng ấm áp lạ. Giờ này còn cha, chắc cha vui lắm. Sáng mùng một, gia đình chị hai, chị ba, anh tư sang chúc tết. Tiếng cười nói rôm rả. Đám cháu tíu tít vây quanh chúc tết, nhận lì xì và được nghe kể về chuyện tết xưa, tết nay. Thì tết xưa, tết nay có khác nhưng tình cảm vẫn đong đầy như ngày xưa bởi chỉ cần đoàn viên, tết luôn ấm áp./.

Cẩm Nhung

Chia sẻ bài viết