Tiếng Việt | English

26/12/2023 - 11:22

'Chìa khóa vàng' nâng cao chất lượng giống nòi

Nhằm nâng cao chất lượng dân số (DS) trong tình hình mới, ngành DS tỉnh triển khai nhiều giải pháp tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS&SS), tăng cường tư vấn khám sức khỏe (KSK) tiền hôn nhân. Đây được xem là “chìa khóa vàng” giúp trẻ sinh ra tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật, góp phần nâng cao chất lượng DS, chất lượng giống nòi.

Vì những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh

Theo thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có trên 41.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Trong đó, khoảng 1.800 trẻ mắc hội chứng Down, 250 trẻ mắc hội chứng Edwards, 1.500 trẻ dị tật ống thần kinh, 8.000 trẻ mắc Thalassemia và hàng loạt các bệnh lý bẩm sinh khác. Dị tật bẩm sinh còn gây ra trên 1.700 số ca tử vong cho trẻ sơ sinh.

Dị tật bẩm sinh không chỉ mang lại thiệt thòi, nỗi đau cho trẻ mà còn trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, có thể phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ dị tật nếu thực hiện sàng lọc, can thiệp sớm. Chính vì thế, thời gian qua, ngành DS tỉnh Long An nỗ lực triển khai, thực hiện Đề án SLTS&SS. Việc thực hiện SLTS&SS là biện pháp hiệu quả để giảm thiểu tối đa tỷ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật. Đây không chỉ là chuyện của mỗi gia đình mà chính là bước đi lâu dài của ngành DS nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu nâng cao chất lượng giống nòi.

Thực hiện sàng lọc sơ sinh từ 24-72 giờ bằng cách lấy máu gót chân của trẻ để tầm soát một số bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hóa ở trẻ

Trưởng khoa Sản, Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng - bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thị Nga cho biết: “Thực hiện SLTS&SS giúp tầm soát một số bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hóa ở trẻ, giảm thiểu số lượng trẻ em bị chậm phát triển về thể lực, trí tuệ và nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, trong quá trình khám thai, chúng tôi chú trọng tư vấn thai phụ thực hiện các biện pháp sàng lọc”.

Việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ mang lại lợi ích lớn cho mỗi cặp vợ chồng mà còn giúp những đứa trẻ sinh ra được khỏe mạnh

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn KSK tiền hôn nhân cũng được ngành DS tích cực triển khai, thực hiện. Tư vấn KSK tiền hôn nhân là việc làm khoa học giúp các cặp thanh niên nam/nữ dự định kết hôn hiểu rõ tình trạng sức khỏe của nhau, biết được những bệnh tật cần tránh như bệnh nhiễm trùng, bệnh về gen,... để hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra khi sinh con sau này.

Theo Chi cục trưởng Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) - Đoàn Văn Ngà, thời gian qua, Chi cục triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức người dân về lợi ích của việc tư vấn và KSK tiền hôn nhân. Thông qua hoạt động KSK, thanh niên nam/nữ phát hiện sớm nguy cơ về bệnh tật của bản thân, chuẩn bị thật tốt sức khỏe để chào đón những đứa con khỏe mạnh, duy trì hạnh phúc gia đình bền vững.

Với những lợi ích thiết thực, hoạt động KSK tiền hôn nhân nhận được sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của nhóm thanh niên. Theo số liệu thống kê, trong năm 2023, toàn tỉnh tư vấn KSK tiền hôn nhân cho hơn 850 cặp thanh niên nam/nữ chuẩn bị kết hôn. Chị Trần Thị Kim Anh (xã Long Trì, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tôi và bạn trai dự định kết hôn vào đầu năm 2024 và sẽ sinh con vào cuối năm. Qua tuyên truyền, chúng tôi biết được lợi ích của việc KSK tiền hôn nhân nên chủ động thực hiện. Tôi cũng tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, cúm để chuẩn bị sức khỏe thật tốt trước khi mang thai”.

Hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số

Ngày 19/5/1997, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 26/12 hàng năm làm Ngày DS Việt Nam nhằm tập trung sự quan tâm của toàn xã hội cho công tác DS, điều chỉnh sự phát triển DS cho phù hợp sự phát triển KT-XH của đất nước, trước mắt và lâu dài.

Với chủ đề “Tham gia tư vấn và KSK trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình”, Tháng hành động quốc gia về DS (tháng 12) và Ngày DS Việt Nam (26/12) năm 2023 là dịp tăng cường phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, huy động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện tốt hơn chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ.

Ông Đoàn Văn Ngà thông tin: “Việc tăng cường các hoạt động truyền thông về DS theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác DS trong tình hình mới; Chiến lược DS Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước về công tác DS, tạo sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự đồng thuận của dư luận xã hội, động viên các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia thực hiện chương trình DS và phát triển”.

Thông điệp truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số

Một số khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về DS: Nâng cao chất lượng DS để phát triển đất nước nhanh và bền vững; Nam giới có trách nhiệm chia sẻ với nữ giới trong việc thực hiện KHHGĐ và nuôi dạy con cái; Hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn; Không phân biệt giới tính, không lựa chọn giới tính thai nhi; Tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản vì chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình;...

Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp dự phòng những bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho những đứa con tương lai

Việc SLTS&SS, KSK tiền hôn nhân không chỉ mang lại lợi ích lớn cho mỗi cặp vợ chồng mà còn giúp những đứa trẻ sinh ra được khỏe mạnh, phát triển thể chất và tinh thần một cách tốt nhất. Đây là giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng DS, chất lượng giống nòi tương lai. Vì vậy, thời gian tới, ngành DS tỉnh tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích, ý nghĩa của việc SLTS&SS, KSK tiền hôn nhân./.

Sinh ra những đứa con khỏe mạnh là mong muốn của tất cả những bậc làm cha mẹ. Vì vậy, sau khi nghe bác sĩ tư vấn, tôi quyết định thực hiện SLTS. Việc sàng lọc không chỉ kịp thời phát hiện, chẩn đoán, điều trị sớm những bất thường của trẻ mà còn giúp tôi an tâm hơn trong suốt thai kỳ”.

Chị Nguyễn Thị Hoàng Yến (phường 2, TP.Tân An)

Để có những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, chúng tôi tăng cường tuyên truyền cho phụ nữ mang thai nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của việc SLTS&SS; phối hợp các cấp, các ngành và hệ thống các đơn vị thuộc ngành Y tế trong việc thực hiện các hoạt động của Đề án SLTS&SS; đồng thời, phối hợp cán bộ Tư pháp thị trấn hướng dẫn thực hiện tư vấn và KSK tiền hôn nhân. Kết quả, trong năm 2023, tổ chức tư vấn và KSK tiền hôn nhân cho 104 lượt nam, nữ chuẩn bị kết hôn, đạt 105% kế hoạch”.

Viên chức dân số thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa - Nguyễn Thị Hồng Ân

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết