Tiếng Việt | English

25/09/2020 - 17:26

Chính quyền "làm ngơ" mới xảy ra khai thác hầm đất trái phép?

Từ năm 2017, UBND tỉnh Long An ban hành Chỉ thị 21 tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản. Trong đó giao trách nhiệm, nếu nơi nào xảy ra khai thác đất trái phép thì chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh.

Một hầm đất khai thác trái phép trên đất lúa xã Hưng Điền

Quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, giám sát và xử lý trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Thế nhưng, thời gian qua, trên địa tỉnh vẫn xảy ra những vụ khai thác hầm đất trái phép công khai giữa ban ngày như thách thức dư luận và bất chấp quy định pháp luật.

Có thể điểm qua một vài vụ việc khai thác hầm đất trái phép, khai thác vượt khối lượng cho phép xảy ra thời gian gần đây. Đó là vụ khai thác hầm đất hơn 4,2ha khi chưa được cấp phép tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa với khối lượng hơn 50.000m3 đất; vụ khai thác vượt khối lượng 96.000m3 đất tại huyện Thạnh Hóa.

Hay như gần đây, tình trạng khai thác đất trái phép xảy ra tại 2 xã biên giới Hưng Điền và Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, dẫn đến nhiều đơn thư phản ánh.

Việc khai thác hầm đất trái phép ở Tân Hưng, ai cũng biết, lẽ nào chính quyền không biết? Như người dân ở đây phản ánh, việc khai thác xảy ra thời gian dài, quy mô lớn. Có lúc, hàng chục phương tiện như máy kobe, xe tải, xà lan hoạt động ra vào khai thác thì việc chính quyền không biết là hết sức vô lý bởi địa điểm khai thác không phải là cái hố nhỏ mà trên diện tích lớn.

Phải chăng đã có sự làm ngơ hay tiếp tay, bảo kê? Còn nếu biết mà không ngăn chặn thì trách nhiệm quản lý, nắm bắt địa bàn của những người có chức năng tại địa phương này như thế nào? Nói thẳng ra, nếu chính quyền thường xuyên kiểm tra, làm đúng, kiên quyết xử lý vi phạm thì đố ai khai thác trái phép được.

Chuyện những hầm đất khai thác trái phép, vượt quá độ sâu, khối lượng cho phép được đề cập nhiều trong những năm qua. Đến nay, nhiều địa phương vẫn phải loay hoay trong việc thực hiện đóng hầm và các biện pháp bảo vệ an toàn.

Thực tế, khai thác hầm đất trái phép gây ra nhiều hệ lụy. Ngoài mất mát nguồn tài nguyên, tạo ra những hố sâu giữa cánh đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất, thậm chí đã có nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra ở các hầm đất vì không được rào chắn an toàn. 

Với vụ việc khai thác hầm đất trái phép gần đây, người dân có quyền đặt ra câu hỏi, trách nhiệm của những người đứng đầu tại địa phương ở đâu? Liệu rằng, qua những vụ việc này, ngoài bài học rút kinh nghiệm thì có ai bị xử lý kỷ luật?

Một vấn đề người dân cũng mong muốn là ngành chức năng cần xác minh, điều tra làm rõ việc để tình trạng khai thác đất trái phép có cá nhân, đơn vị nào "bảo kê" không? Nếu có, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đó chính là việc làm cần thiết để chấn chỉnh, răn đe và nêu cao trách nhiệm của người thực thi công vụ, nhất là người đứng đầu./.

Tĩnh

Chia sẻ bài viết