Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 9/10 (theo giờ địa phương), với sự chủ trì của hai đồng sáng lập là Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang và Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Á Âu lần thứ 3 (MSEAP3) đã chính thức khai mạc tại thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.
Chủ đề chung của hội nghị là “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở khu vực Á Âu.” Tham dự khai mạc có 40 Đoàn đại biểu Nghị viện/Quốc hội, trong đó có 23 Đoàn do Chủ tịch Quốc hội/Nghị viện dẫn đầu. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã tham dự.
Tại lễ khai mạc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có thông điệp gửi đến lãnh đạo Nghị viện/Quốc hội các nước tham dự Hội nghị. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nêu rõ hợp tác nghị viện các nước khu vực Á Âu có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị hòa bình, ổn định và dân chủ giữa các nước trong khu vực cũng như trên toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều biến động, diễn biến khó lường. Tổng thống bày tỏ tin tưởng Hội nghị sẽ thành công tốt đẹp, có nhiều ý kiến giá trị nhằm thúc đẩy tiến trình này.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nhiệt liệt chào mừng các vị lãnh đạo và các Đoàn đại biểu Nghị viện/Quốc hội các nước khu vực Á Âu tới Antalya tham dự hội nghị MSEAP3 tại Thổ Nhĩ Kỳ; cho rằng điều đó sẽ đóng góp vào thành công chung của hội nghị.
Gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Indonesia sau thảm họa kép động đất, sóng thần vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ mong Chính phủ và nhân dân Indonesia nhanh chóng phục hồi sau thảm họa thiên nhiên.
Chủ tịch Binali Yildirim cho biết: “Tại hội nghị lần này, chúng ta sẽ trao đổi về biện pháp ứng phó với những thách thức toàn cầu. Việc tìm giải pháp cho những thách thức này rất khó khăn, nhưng với sự hợp tác của nghị viện các nước trong khu vực, tôi tin rằng chúng ta có thể cùng chung tay giải quyết.”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á Âu lần thứ 3. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nhấn mạnh các nước trong khu vực Á Âu đang đứng trước bối cảnh thách thức gia tăng nhanh chóng. Đó là những thách thức về môi trường, chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, chủ nghĩa khủng bố, thảm họa thiên nhiên, chính sách cấm vận, bảo hộ thương mại...
Hướng tới tầm nhìn đến năm 2050, thế giới ước tính sẽ có tổng dân số là khoảng 9,5 tỷ người, cần bảo đảm tất cả đều có công ăn việc làm, có đầy đủ lương thực, được bảo đảm về điều kiện sống, đòi hỏi trách nhiệm chung của toàn thế giới.
Tại MSEAP3 cũng sẽ có những phiên thảo luận để cùng nhau tìm ra những giải pháp chung tay nỗ lực cùng thế giới giải quyết, ứng phó với những vấn đề thách thức đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phát biểu: “Ngoài ra, còn có rất nhiều vấn đề cần giải quyết hướng tới tương lai như vấn đề nhân đạo, cấm phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngăn ngừa tình trạng khan hiếm nước, bảo đảm an ninh lương thực... Đó là những vấn đề mấu chốt trong khuôn khổ hợp tác khu vực Á Âu trong tương lai.”
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, tôn trọng luật pháp và chủ quyền của các quốc gia. Cần có cơ chế đa phương để hỗ trợ các quốc gia phát triển. Cần gỡ bỏ rào cản để thúc đẩy đầu tư, thu hẹp khoảng cách và khác biệt về phát triển của các quốc gia, đem lại lợi ích cho nhiều người dân hơn.
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yidirim phát biểu khai mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Với vai trò đồng chủ trì MSEAP3 cùng Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang phát biểu chào mừng và gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Nghị viện/Quốc hội các nước đã tới Thổ Nhĩ Kỳ tham dự hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc nhấn mạnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang có bước tiến rất mạnh mẽ và xóa bỏ những rào cản giữa các ngành, hướng tới sự hội tụ môi trường siêu kết nối và môi trường siêu thông minh giữa các quốc gia. Với việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và hội tụ công nghệ sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế-xã hội, thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên trong tiến trình đó sẽ có những tác động phụ như tình trạng thất nghiệp, bất bình đẳng gia tăng. Bên cạnh đó còn có những tác động biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trên thế giới, gây ra những tổn thất sâu rộng về kinh tế-xã hội tại nhiều quốc gia.
Để chuẩn bị cho những thay đổi đó, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cho rằng cần thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã được thông qua vào năm 2015.
Theo Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, điều quan trọng là những thách thức này không thể giải quyết ở một quốc gia riêng lẻ nào, mà cần các nỗ lực chung ở cấp độ quốc tế để nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của từng quốc gia. Để các sáng kiến cấp độ quốc gia khu vực Á Âu được triển khai thành công, điều quan trọng là cần bảo đảm duy trì hợp tác và trao đổi giữa Quốc hội các nước khu vực Á Âu.
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc phát biểu: “Chúng ta cần đặc biệt xem xét vai trò của MSEAP và câu trả lời nằm ở vai trò của các Nghị viện/Quốc hội, cụ thể là vai trò lập pháp. Chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm lập pháp giữa các Nghị viện/Quốc hội thành viên và chủ động trao đổi chuyên môn vì sự thịnh vượng chung của khu vực Á Âu. Điều quan trọng nữa là cần giám sát một cách cẩn trọng việc thực thi các chính sách của Chính phủ, bổ sung và điều chỉnh các chính sách này thông qua các hoạt động của các Quốc hội. Đặc biệt, việc chủ động trao đổi thông tin giữa các Quốc hội giúp tìm ra biện pháp giải quyết nhanh chóng và hiệu quả để hướng tới hợp tác quốc tế, đóng góp quan trọng và đáp ứng hiệu quả trước những vấn đề mà các quốc gia phải đối mặt.”
Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đề xuất từ MSEAP4 sẽ tổ chức thêm các cuộc thảo luận riêng rẽ ngoài các phiên họp toàn thể để các nhà lập pháp của các quốc gia thành viên cùng nhau trao đổi; bày tỏ hy vọng từ MSEAP3 sẽ có được nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác, trao đổi cơ hội ở khu vực.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin bày tỏ hy vọng tại MSEAP3, Nghị viện/Quốc hội các nước khu vực Á Âu sẽ cùng trao đổi về các vấn đề phát triển kinh tế, nhân đạo, hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng, không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng chủ quyền và luật lệ của các quốc gia thành viên. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga nêu quan điểm các nước trong khu vực còn nhiều việc phải làm để xây dựng cấu trúc khu vực hợp tác, trước hết cần xây dựng cơ chế bảo đảm tiến trình di chuyển tự do của các luồng hàng hóa trên thế giới, chuyển giao công nghệ.
Theo Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, đây là thời điểm thúc đẩy trao đổi nhiều hơn nữa giữa các Nghị viện/Quốc hội khu vực Á Âu; bày tỏ tin tưởng MSEAP đang đi đúng hướng trong việc thúc đẩy giao tiếp, hợp tác giữa các Nghị viện/Quốc hội thành viên. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga cũng cho rằng, bên cạnh các phiên họp toàn thể, các hoạt động tiếp xúc song phương của các Đoàn Quốc hội cũng có vai trò rất quan trọng, đóng góp vào thành công chung của Hội nghị, đem lại nền tảng cho sự phát triển của khu vực Á Âu.
Theo chương trình, chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có bài phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất về “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở khu vực Á Âu” do Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chủ trì./.
Theo TTXVN