Tiếng Việt | English

11/10/2018 - 05:46

Chủ động phòng, chống bệnh khảm lá trên cây khoai mì

Thời gian qua, bệnh khảm lá trên cây khoai mì bùng phát trên diện rộng ở một số tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ và có dấu hiệu lây lan sang một tỉnh, thành lân cận, trong đó có Long An, làm ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều nông dân.

Nông dân chủ động loại bỏ cá thể bị bệnh khảm lá

Giảm năng suất

Theo Phó Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cơ, những tháng gần đây, bệnh khảm lá trên khoai mì xuất hiện ở các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Đăk Lăk,... và có dấu hiệu lây lan sang một số tỉnh, thành lân cận, trong đó có Long An, đặc biệt là huyện Bến Lức.

Được biết, bệnh gây ra bởi một loại virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic. Bệnh lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh. Đây là bệnh rất nguy hiểm và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết của bệnh khảm lá trên cây khoai mì là khảm vàng loang lỗ trên lá, làm cho lá biến dạng, nhăn nhúm, cong queo. Bệnh gây thiệt hại lớn, đối với cây nhỏ nhiễm bệnh sẽ không cho thu hoạch, cây lớn nhiễm bệnh sẽ làm giảm năng suất và chất lượng.

Bến Lức là huyện có diện tích trồng khoai mì lớn nhất tỉnh. Hiện, toàn huyện có 327ha khoai mì, tập trung ở 6 xã: Bình Đức, Lương Hòa, Lương Bình, Tân Hòa, Thạnh Hòa và Thạnh Lợi. Giống khoai mì được sử dụng chủ yếu là HLS11. Theo  nông dân trồng khoai mì, đây là giống có nhiều ưu điểm như độ tinh bột cao và giá thành ổn định. Những năm gần đây, cây khoai mì mang lại hiệu quả kinh tế cao nên một số hộ dân trên địa bàn huyện đã chuyển từ cây mía sang trồng khoai mì.

Chủ tịch UBND xã Bình Đức - Trần Văn Sơn cho biết: “Xã Bình Đức có diện tích trồng khoai mì lớn nhất huyện, khoảng 185ha. Sản lượng khoai mì thu hoạch hàng năm đạt khoảng 25 tấn/ha/vụ, với giá từ 2.500 - 2.600 đồng/kg, người trồng khoai mì thu được lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch bệnh khảm lá xuất hiện làm cho năng suất khoai mì giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của người dân”.

Thông tin cho nông dân về những dấu hiệu của bệnh khảm lá trên khoai mì

Ông Võ Văn Ốm (xã Bình Đức, huyện Bến Lức) chia sẻ: “Hiện nay, khoai mì bị bệnh khảm lá, làm giảm năng suất từ 10-15%. Trung bình mỗi ha nông dân chúng tôi mất khoảng 8 - 10 triệu đồng/vụ do bệnh khảm lá mì. Trước tình hình trên, tôi chủ động hợp tác với chính quyền địa phương vận động những hộ dân có khoai mì bị nhiễm bệnh tiến hành tiêu hủy để tránh lây lan và gây hậu quả nghiêm trọng hơn”.

Ông Nguyễn Văn Cơ cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 98ha khoai mì bị nhiễm bệnh, chiếm gần 30%. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh không quá cao, chỉ từ 5 -15%/ha đất trồng. Hiện nay, tình trạng lan truyền bệnh và tỷ lệ bệnh đã được kiểm soát, không có dấu hiệu tăng thêm”.

Cá thể mì bị nhiễm bệnh 

Chủ động phòng, chống bệnh

Ngay từ khi phát hiện bệnh, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã tổ chức thông tin, tuyên truyền cho nông dân biết về bệnh khảm lá và tập huấn các phương pháp phòng, chống bệnh. Nhờ sự nhiệt tình hợp tác của nông dân trong việc xử lý mầm bệnh và chủ động tiêu hủy những cá thể nhiễm bệnh mà công tác tầm soát bệnh bước đầu đạt những kết quả tích cực.

Theo ông Trần Văn Sơn, bệnh khảm lá ở cây khoai mì trên địa bàn xã chỉ vừa xuất hiện nên tỷ lệ gây hại của bệnh chưa cao. Tuy nhiên, địa phương đã chủ động tổ chức các buổi tập huấn về phòng, chống bệnh khảm lá trên cây khoai mì cho nông dân.

Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Lức - Trần Thị Mỹ Hằng khuyến cáo: “Để bảo đảm trồng mì đạt hiệu quả, nông dân cần tích cực thăm đồng, kịp thời phát hiện bệnh để có biện pháp xử lý, tránh lây lan dịch bệnh. Đối với những diện tích khoai mì dưới 3 tháng tuổi, bị nhiễm bệnh trên 30%, tiến hành tiêu hủy toàn bộ. Đối với những diện tích khoai mì trên 3 tháng tuổi bị nhiễm bệnh, tiến hành loại bỏ và tiêu hủy những cá thể bị bệnh. Bên cạnh đó, nông dân hạn chế sử dụng đại trà giống khoai mì HLS11, không sử dụng những cây khoai mì nhiễm bệnh làm giống, loại bỏ những cây khoai mì hoang, mì rày; tuyệt đối không du nhập, mua bán, vận chuyển cây khoai mì giống từ vùng bệnh đến địa phương; tích cực thông tin, tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho nông dân các biện pháp phòng tránh bệnh”./.

Bùi Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết