Tiếng Việt | English

04/11/2020 - 08:44

Chủ động phòng, chống thiên tai

Mỗi năm, nước ta hứng chịu hơn 10 cơn bão cùng nhiều loại hình thời tiết dị thường như hạn hán, giông lốc, sét, mưa đá, rét đậm, rét hại, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét,… cướp đi sinh mạng của 300-400 người, thiệt hại vật chất ước tính từ 1-1,5% GDP cả nước. Riêng năm 2020, tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại nặng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ vào chiều ngày 30/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhiều năm qua, nước ta chứng kiến lũ chồng lũ, bão chồng bão. Thiên tai đã làm hàng trăm người chết và mất tích. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản sơ bộ ban đầu khoảng 2.700 tỉ đồng”.

Vậy phải làm gì để không còn những mất mát, tang thương do thiên tai gây ra? Theo Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân, phải lồng ghép nội dung phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển cho cả nhiệm kỳ tới, trong đó có việc phải chủ động di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai, không để thời gian tới vẫn có những vụ vùi lấp như vừa qua. “Tôi đề nghị Quốc hội phải bàn về việc này để chúng ta thông qua Nghị quyết để Chính phủ chủ động ngay trong năm 2021 di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai và hàng năm ngân sách Trung ương, địa phương phải chú ý vấn đề này” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ về tình hình KT-XH vào sáng ngày 02/11.

Trong một cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai ứng phó với tình hình mưa lũ miền Trung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: “Kinh nghiệm phòng, chống thiên tai cho thấy, cẩn thận bao nhiêu vẫn thiếu mà chủ quan một tý cũng thừa!”. Vụ việc 2 vợ chồng anh L.T.Q. ở Quảng Nam trên đường đi ăn cưới về nhà thì bị nước lũ cuốn trôi là một trong những ví dụ điển hình về sự chủ quan của người dân trước sức mạnh đáng sợ của thiên tai. Hôm đó, trên đường về nhà, tới đoạn nước chảy xiết, dù lực lượng chức năng đã cảnh báo, không cho người và phương tiện qua lại nhưng vợ chồng anh Q. vẫn tìm cách lội bộ qua đoạn ngập nước. Khi đi được một đoạn, hai vợ chồng không may bị nước lũ cuốn trôi…

Thiên tai luôn tiềm ẩn yếu tố khó lường và để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu mọi người được trang bị kiến thức, kỹ năng để chủ động ứng phó thì có thể giảm nhẹ tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Để giúp người dân có kiến thức, kỹ năng phòng tránh thiên tai cho bản thân, gia đình và cộng đồng, các cấp, các ngành phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường dự báo tình hình thời tiết để người dân chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, người dân phải nâng cao ý thức về sự nguy hiểm của thiên tai, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng tránh, chủ động tham gia công tác ứng phó với thiên tai để tự bảo vệ bản thân và gia đình. Ngoài ra, ngành chức năng, chính quyền địa phương chủ động sơ tán, di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp do thiên tai.

Phòng tránh thiên tai để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại, bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó ý thức chủ động ứng phó là quan trọng./.

Thanh Tuyền

Chia sẻ bài viết