Phòng Nghiên cứu Tổng hợp (Ban Dân vận Tỉnh ủy), Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh) tổ chức Hội nghị ký kết Kế hoạch phối hợp công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm sử dụng mạng xã hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt
Thời gian qua, ở nhiều địa phương trong cả nước, tình hình tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi phạm tội diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gia tăng về số vụ, số tiền thiệt hại. Trong đó, nổi lên các loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay trực tuyến, cờ bạc trên không gian mạng.
Những phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thực hiện là sử dụng phần mềm giả số điện thoại, gọi điện trên nền tảng Internet, sử dụng “sim rác”, không chính chủ gọi điện thoại, thuê hoặc nhờ người đăng ký các dịch vụ chuyển tiền; tạo các website, sàn giao dịch tiền ảo để huy động vốn hoặc lợi dụng những sơ hở, thiếu sót, lỏng lẻo trong việc quản lý, cung cấp các dịch vụ thanh toán trực tuyến để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; tổ chức đánh bạc, cá cược trên môi trường mạng thông qua nhiều hình thức với các trang quảng cáo công khai;...
Trên địa bàn tỉnh, người dân phản ánh về việc lừa đảo trên không gian mạng, qua điện thoại, thậm chí có trường hợp đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Nguyễn Thị Hường (xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) cho biết: “Tôi nhiều lần nghe những cuộc gọi hoặc tin nhắn qua điện thoại bằng số máy lạ. Có những cuộc gọi, có người báo tin tôi trúng thưởng món quà với giá trị cao, đề nghị làm theo hướng dẫn là chuyển trước một số tiền để nhận quà".
Còn anh Nguyễn Văn Duy (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) nói: “Có lần, tôi nhận được cuộc gọi điện thoại, bên kia xưng là công an và nói đang điều tra một vụ việc nghiêm trọng có liên quan tôi. Người kia yêu cầu tôi làm theo hướng dẫn để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Tuy nhiên, thời gian qua cũng đọc báo và nghe nhiều về dạng lừa đảo này nên tôi cảnh giác, tuyệt đối không làm theo và cúp máy”.
Trước thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các loại tội phạm sử dụng công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thời gian qua, Công an tỉnh chủ động tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này. Công tác đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao được tập trung lãnh, chỉ đạo quyết liệt.
Theo Đại tá Lâm Minh Hồng - Giám đốc Công an tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Công an tỉnh khởi tố 12 vụ liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đồng thời, phát hiện, khởi tố 4 vụ tổ chức đánh bạc thông qua mạng máy tính ở các huyện: Vĩnh Hưng, Châu Thành, Bến Lức, Đức Hòa, thu giữ nhiều phương tiện có liên quan.
“Trong tháng 9/2023, Công an tỉnh đấu tranh, khám phá thành công chuyên án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 3.000 người trên toàn quốc với số tiền trên 6 tỉ đồng” - Đại tá Lâm Minh Hồng thông tin.
Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo
Thời gian tới, Công an tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp, phương án đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm trên không gian mạng. Công an tỉnh tiếp tục chủ động tham mưu với tỉnh lãnh, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông. Quan tâm kiểm tra, rà soát, khắc phục các lỗ hỏng bảo mật, các nguy cơ gây mất an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác thực, chuẩn hóa các thông tin thuê bao di động, loại bỏ “sim rác”, dữ liệu cá nhân.
“Công an tỉnh cũng quan tâm đến công tác đào tạo nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ, chiến sĩ và trang thiết bị cho lực lượng phòng, chống tội phạm trên không gian mạng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay” - Đại tá Lâm Minh Hồng nhấn mạnh.
Việc xác định, truy tìm, bắt giữ các đối tượng sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi phạm tội rất khó khăn. Theo đó, lực lượng Công an trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa xã hội; đẩy mạnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong khu dân cư, cơ quan, trường học, doanh nghiệp dưới nhiều hình thức để người dân biết, nâng cao cảnh giác và không mắc bẫy.
Theo Thượng tá Phạm Ngọc Điền - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh), trong tháng 10/2023, Phòng Nghiên cứu Tổng hợp (Ban Dân vận Tỉnh ủy), Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh) tổ chức Hội nghị ký kết kế hoạch phối hợp công tác tuyên truyền.
Thực hiện kế hoạch ký kết, 2 phòng tăng cường phối hợp để kịp thời thông tin, cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Việc tuyên truyền được thực hiện qua nhiều hình thức như trực tiếp hoặc đăng tải trên mạng xã hội, báo chí, trang web,.../.
Gần đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh khởi tố và bắt khẩn cấp Hồ Bửu Hoàng Dũng (27 tuổi, ngụ ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra, trong thời gian khoảng 1 năm, Hồ Bửu Hoàng Dũng tạo lập fanpage trên mạng xã hội có tên “Chánh pháp thanh tịnh - Tuệ Tự Tâm” kèm theo số điện thoại để đăng bán tượng gỗ các loại với giá từ 1,5-3 triệu đồng/tượng gỗ.
Khi có người gọi điện thoại hỏi mua tượng gỗ, Dũng hướng dẫn nhắn tin qua Messenger hoặc Zalo để đặt hàng. Đồng thời, Dũng đề nghị người mua hàng chuyển khoản trước thì được miễn phí ship và có tặng phẩm kèm theo. Thế nhưng, sau khi người mua chuyển tiền thì Dũng không giao hàng như thỏa thuận. Dũng cắt đứt mọi liên lạc hoặc chặn cuộc gọi, tin nhắn, tài khoản Facebook của người mua hàng.
Qua điều tra, Hồ Bửu Hoàng Dũng khai nhận đã lừa đảo hơn 3.000 người trên phạm vi cả nước với tổng số tiền trên 6 tỉ đồng.
|
Lê Đức