Tiếng Việt | English

30/07/2019 - 10:36

Chủ động, tích cực phòng bệnh sốt xuất huyết

Hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết (SXH). Trong các tuần gần đây, số ca mắc tăng nhanh tại các tỉnh, thành phố, trong đó có Long An. Để bạn đọc có thêm thông tin về cách phòng, chống dịch bệnh này, phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ (BS) CKII Huỳnh Hữu Dũng.

Thảo luận những nơi muỗi vằn đẻ trứng nhằm diệt lăng quăng triệt để

Thảo luận những nơi muỗi vằn đẻ trứng nhằm diệt lăng quăng triệt để

PV: Thưa BS, bệnh SXH thường xuất hiện vào thời điểm nào trong năm và tại sao thời điểm đó bệnh lại dễ xuất hiện?

BS Huỳnh Hữu Dũng: SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu có virus từ người bệnh truyền sang người lành. Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách,... Muỗi chích hút máu người cả ngày lẫn đêm.

Ở miền Nam, khoảng 10 năm nay, bệnh SXH xảy ra quanh năm, không kể mùa nắng hay mùa mưa. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước mưa đọng trong các vật dụng phế thải quanh nhà hay vật chứa nước là nơi để muỗi đến đẻ trứng sinh ra lăng quăng phát triển thành muỗi.

Do đó, mặc dù bệnh SXH xảy ra quanh năm nhưng ở Long An, bệnh xảy ra nhiều vào mùa mưa, tầm tháng 5 đến tháng 10 là điều kiện thuận lợi để bệnh xảy ra nhiều hơn các tháng khác trong năm.

PV: SXH sẽ lây lan như thế nào nếu không phòng bệnh đúng cách?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Bệnh SXH là do muỗi truyền. Nếu chúng ta không sử dụng các biện pháp diệt muỗi và lăng quăng một cách triệt để thì muỗi vẫn còn. Do đó, không nên chỉ phun hóa chất ở tầng một mà không phun ở những tầng trên, chỉ diệt muỗi mà không diệt lăng quăng, bọ gậy hoặc chỉ diệt lăng quăng ở một vài dụng cụ mà không diệt ở tất cả dụng cụ chứa nước trong nhà. Hoặc chỉ thực hiện diệt muỗi và diệt lăng quăng ở một vài nhà trong khu phố.

Sau 7-10 ngày, lăng quăng có thể phát triển thành muỗi trưởng thành và có thể bay được cự ly 200m nên có khả năng di chuyển từ phòng này sang phòng khác hoặc từ nhà này sang nhà khác làm cho dịch sẽ nhanh chóng lây lan và bùng phát trở lại.

Vì thế, bạn cần phối hợp ngành y tế thực hiện thường xuyên, lâu dài và triệt để các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi để phòng bệnh SXH cho bạn, người thân trong gia đình và cộng đồng.

PV: Thế nào là ổ dịch SXH và người dân có thể tự xử lý các ổ dịch này không, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Theo quy định của Bộ Y tế, định nghĩa 1 ổ dịch nhỏ trong SXH có 3 trường hợp. Một là có 2 trường hợp được chẩn đoán trên lâm sàng là mắc bệnh SXH trong một xóm, ấp, tổ dân phố hay cụm dân cư xảy ra trong vòng 14 ngày. Định nghĩa thứ 2 của ổ dịch là có 1 trường hợp tử vong được chẩn đoán xác định do bệnh SXH. Định nghĩa thứ 3 là có 1 bệnh nhân chẩn đoán xác định tại phòng xét nghiệm với SXH. 3 trường hợp đó đều gọi là ổ dịch nhỏ của SXH.

Các trường hợp nghi SXH xảy ra trong ổ dịch đều được ghi nhận, báo cáo và xử lý như trường hợp SXH. Ổ dịch SXH được coi là đã dập tắt khi không có ca bệnh SXH mới trong vòng 14 ngày kể từ ca mắc bệnh cuối cùng.

Người dân cũng có thể tham gia xử lý ổ dịch bằng cách diệt lăng quăng tại gia đình và những hộ xung quanh gia đình có người mắc bệnh. Ngành y tế không thể nào xử lý hết được ổ dịch nếu không có sự hợp tác của người dân cũng như không có sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, chính của địa phương nơi có ổ dịch. Sự hợp tác và phối hợp này đóng vai trò rất lớn trong việc xử lý ổ dịch thành công.

PV: Trong phòng, chống bệnh SXH có phun hóa chất diệt muỗi, BS có thể nói rõ hơn về biện pháp này?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Muỗi truyền bệnh SXH sống ở trong và xung quanh nhà, thường đậu vào rèm cửa, quần áo,... mà không đậu vào tường. Các biện pháp phun hóa chất diệt muỗi được áp dụng hiện nay là phun không gian thể tích cực nhỏ và phun mù nóng, không áp dụng các biện pháp phun tồn lưu lên tường.

Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ có tác dụng tức thời trong vòng 2-3 giờ và có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường. Vì thế, chúng ta không thể phun thường xuyên mà chỉ phun ở những đợt cao điểm dịch để diệt nhanh đàn muỗi mang mầm bệnh. Sau khi phun hóa chất, chúng ta phải áp dụng các biện pháp diệt lăng quăng và diệt muỗi khác để duy trì môi trường sống không có muỗi.

PV: Người dân cần lưu ý gì trước khi phun hóa chất, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Trước khi phun hóa chất diệt muỗi, chúng ta cần di chuyển tất cả người, vật nuôi ra khỏi nhà, thu dọn nhà cửa, quần áo, thu dọn và đậy kín dụng cụ chế biến, thức ăn, nước uống. Đóng kín các cửa sổ, chỉ mở cửa chính để người vào phun thuốc. Bạn chỉ nên vào nhà ít nhất 60 phút sau khi phun hóa chất.

PV: BS có thể chia sẻ thêm về tác dụng của các loại thuốc phun diệt muỗi và côn trùng?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Nếu chúng ta thực hiện đúng những hướng dẫn của ngành y tế về việc sử dụng hóa chất thì tương đối an toàn cho sức khỏe. Một số ít người có cơ địa nhạy cảm khi nhiễm nhiều hóa chất có thể có các biểu hiện như ho, hắt hơi, đỏ mắt, có thể buồn nôn, mẩn ngứa,... Những trường hợp này cần được rửa bằng nước sạch nhiều lần, nếu không đỡ, cần đến các cơ sở y tế để được chăm sóc.

Hóa chất diệt muỗi có thể diệt được rất nhiều loại côn trùng như gián, kiến,... và có thể ảnh hưởng đến các vật nuôi như chim cảnh, ong, tằm,...

PV: Những vật chứa nào có nhiều lăng quăng nhất?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Muỗi vằn truyền bệnh SXH thường đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước sạch như bồn, bể, lu khạp, lọ hoa, chén nước kê chân chạn, khay chứa nước điều hòa, tủ lạnh, bể chứa nước trong nhà vệ sinh, vũng nước trên trần nhà,... và các dụng cụ khác như mảnh lu vỡ, chai lọ, vỏ lon, vỏ dừa, lốp xe, máng nuôi gia súc, máng đựng thức ăn, nước cho gia súc - gia cầm, máng xối nước mưa trên mái nhà, các ổ nước tự nhiên như hốc cây, bẹ lá,...

PV: Người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH nào, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: SXH là bệnh do muỗi truyền, hiện nay chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp hiệu quả để phòng bệnh hiện nay là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi chích.

Thảo luận những nơi muỗi vằn đẻ trứng nhằm diệt lăng quăng triệt để

Muỗi vằn đẻ trứng ở nơi chứa nước sạch

Để diệt muỗi, trước hết, chúng ta cần diệt lăng quăng hàng tuần bằng cách đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thay nước bình hoa, cọ rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá,...

Bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn; ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi chích ngay cả ban ngày; dùng vợt muỗi, đèn, quạt bắt muỗi hoặc phun hóa chất diệt muỗi. Để phòng muỗi đốt, bạn có thể dùng các lưới chắn muỗi tại cửa sổ, cửa ra vào, dùng kem xua muỗi, nhang diệt muỗi,... Tích cực phối hợp ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà./.

PV: Xin cảm ơn BS!

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết