Tiếng Việt | English

15/11/2017 - 10:45

Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết, tay-chân-miệng

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM) diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, ngành Y tế phối hợp triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch.


Giáo viên hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách để phòng, chống bệnh tay - chân - miệng

Bảo đảm vệ sinh trường học

Tại Long An, dịch SXH, TCM diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng vào những tháng cuối năm. Trước tình hình này, ngành Y tế Long An tập trung phối hợp các lực lượng chức năng tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh trong trường học và người dân, tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương có số ca mắc cao. Ngành còn cập nhật thường xuyên số ca bệnh, chủ động phát hiện, xử lý và dập dịch kịp thời.

Trường học là nơi tập trung đông người, đây là môi trường thuận lợi để dịch bệnh phát triển. Do đó, công tác phòng, chống dịch SXH và TCM trong trường học luôn được quan tâm. Tại Trường Mẫu giáo Sao Mai, xã Bình Tâm, TP.Tân An, công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, TCM được đặt lên hàng đầu. Ngay từ đầu năm, nhà trường thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trong trường. Theo đó, giáo viên thường xuyên vệ sinh đồ chơi, phòng học hàng ngày và tổng vệ sinh toàn trường 1 lần/tuần.

Công tác phòng, chống bệnh SXH, TCM được sự giám sát hàng tuần của nhân viên y tế xã. Mỗi lớp học được trang bị một bồn rửa tay có trên 5 vòi nước, riêng tại nhà ăn có 10 vòi nước để trẻ rửa tay trước, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Trong hoạt động dạy học, giáo viên lồng ghép giáo dục trẻ về tác hại của côn trùng gây bệnh, đặc biệt là muỗi; hướng dẫn trẻ có thói quen giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Nhà trường lồng ghép tuyên truyền đến phụ huynh cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho trẻ trong các cuộc họp phụ huynh học sinh.

Để ngăn chặn và phòng dịch, Trường Mẫu giáo Họa Mi, trị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức chú trọng vệ sinh lớp học, phát quang bụi rậm xung quanh trường vào cuối tuần, trồng rau ở khu vực đất trống nhằm hạn chế cây cỏ rậm rạp. Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa Mi - Hà Thoại Hoa cho biết: “Toàn trường có 14 lớp học với 485 trẻ trong độ tuổi từ 24 tháng đến 5 tuổi. Đặc biệt, trường trang bị mỗi lớp học 1 chai thuốc xịt muỗi, xịt 2 lần/ngày. Đối với bệnh TCM, giáo viên kiểm soát việc rửa tay các trẻ, lau dọn nền phòng học 3 lần/ngày bằng dung dịch Javel; lau kệ, đồ dùng, đồ chơi, tẩy rửa sàn phòng học vào cuối tuần”.


Giáo viên vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ

Vận động người dân ý thức vệ sinh môi trường

Để công tác phòng, chống dịch trở thành thói quen của người dân, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền. Theo đó, ý thức của người dân trong việc chủ động vệ sinh môi trường, phòng, chống bệnh SXH, TCM được nâng cao. Ông Nguyễn Văn Ngon, ngụ ấp 3, xã An Thạnh, huyện Bến Lức, chia sẻ: “Nhà tôi có 4 cháu từ 2 đến 10 tuổi, do sống tại địa bàn có dịch bệnh SXH và TCM cao nên gia đình tôi luôn chủ động vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, lau dọn nhà cửa thoáng mát, loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết nhằm ngăn ngừa muỗi đẻ trứng. Để phòng bệnh TCM, tôi thường xuyên nhắc nhở các cháu phải giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng”.

Ý thức vệ sinh môi trường của mỗi người dân là cách tốt nhất để phòng, chống dịch bệnh. Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH và bệnh do vi-rút Zika trên địa bàn tỉnh vừa qua, Phó Giám đốc Sở Y tế - Tiến sĩ Võ Thị Dễ khẳng định: “Nếu không có giải pháp quyết liệt phòng, chống bệnh SXH thì dịch có nguy cơ bùng phát nhanh. Vì vậy, các địa phương cần triển khai hiệu quả chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng, chống bệnh SXH, Zika. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường là cần thiết”.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.783 ca mắc sốt xuất huyết (2.364 ca nội trú, 419 ca ngoại trú), tăng 22% so với cùng kỳ. Đồng thời, ghi nhận 4.025 ca mắc tay - chân - miệng (1.898 ca nội trú, 2.127 ca ngoại trú), tổng số ca nội trú tăng 18,5%. Dịch bệnh tập trung ở các huyện: Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích
  • Đồ chơi Iwaya chính hãng