Các địa phương thường xuyên theo dõi và kiểm tra chất lượng nước để bảo đảm sản xuất
Nông dân chủ động ứng phó hạn, mặn
Đến nay, toàn tỉnh Long An gieo cấy ước đạt 261.909ha, đạt 51,1% so với kế hoạch, bằng 109,5% so với cùng kỳ năm 2016. Diện tích thu hoạch 54.674ha, năng suất (khô) bình quân ước đạt 50,7 tạ/ha, sản lượng 276.903 tấn, đạt 10% so với kế hoạch (2,8 triệu tấn).
Hiện nay, tình hình xâm nhập mặn bắt đầu, nông dân cũng chủ động trong sản xuất bởi những năm gần đây, hạn, mặn thường xuyên xảy ra. Nhắc đến đợt hạn, xâm nhập mặn vào thời điểm đầu năm 2016, anh Trần Văn Trí (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) buồn bã: “Nhớ năm trước, ảnh hưởng hạn, mặn, năng suất lúa rất thấp, hạt lúa bị lửng, có nhiều chỗ, thương lái xuống mua, khi thấy lúa, họ chấp nhận bỏ tiền cọc chứ không mua lúa. Nông dân khó gỡ lại vốn vì chi phí bơm tưới và phân thuốc đầu tư rất cao. Năm nay, chúng tôi gieo sạ theo khuyến cáo của địa phương và chủ động trong việc phòng, chống xâm nhập mặn. Vụ này, gia đình tôi có gần 1ha lúa đang phát triển rất tốt”.
Cũng như anh Trí, ông Lê Tấn Long (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Năm nay, trước các khuyến cáo của địa phương về tình hình xâm nhập mặn, nông dân chủ động phòng, chống, trữ nước ngọt cho sản xuất và sử dụng nước tiết kiệm, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gieo sạ đúng lịch thời vụ, phù hợp với tình hình hạn, mặn. Không giống như những năm trước bị nước mặn bao vây nên các cống đầu mối buộc phải đóng kín, khiến nguồn nước trong đê bao bị cạn kiệt và ô nhiễm cục bộ”.
Lúa phát triển tốt nhờ nông dân chủ động trong chăm sóc
Đầu tháng 01/2017 đến nay, độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh dao động ở mức từ 0,20-11,5 g/l, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 từ 6,60-14,6g/l. Độ mặn 1g/l xuất hiện xa nhất trên sông VCĐ gần đến cống Đôi Ma - huyện Cần Đước, cách sông Soài Rạp khoảng 47km (năm 2016 vượt qua cầu An Hạ - huyện Đức Hòa, cách sông Soài Rạp khoảng 88km) và trên sông VCT vượt qua cống Sông Cui - huyện Châu Thành, cách sông Soài Rạp khoảng 42km (năm 2016 gần đến cầu La Khoa - VCT - huyện Thạnh Hóa, cách sông Soài Rạp khoảng 92km). |
Hiện nay, theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Dọc theo sông Vàm Cỏ Đông (VCĐ), Vàm Cỏ Tây (VCT) từ Cầu Nổi trở lên vẫn có khả năng lấy được nước ngọt đến tháng 2. Từ cuối tháng 2 trở đi, nguồn nước ngọt có khả năng xuất hiện một số ngày vào lúc triều kém, chân triều; lân cận Tân An (sông VCT), Bến Lức (sông VCĐ) trở lên, nguồn nước ngọt vẫn còn khá dồi dào đến cuối tháng 2. Từ tháng 3 trở đi, nguồn nước ngọt giảm nhanh nhưng vẫn tranh thủ lấy được nước ngọt vào lúc triều vừa, thấp, chân triều.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Long An, độ mặn cao nhất tại các trạm trong tháng 02-2017, xuất hiện vào ngày 28: Tại trạm Cầu Nổi (sông Vàm Cỏ) là 10,8g/l; Tân An (sông VCT) là 2,5g/l; Bến Lức (sông VCĐ) là 4,2g/l; Xuân Khánh (sông VCĐ) là 1,6g/l. Vì vậy, để bảo đảm đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh các địa phương cần phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra chặt chẽ tình hình chất lượng nước, khí tượng, thủy văn, thường xuyên truy cập thông tin trên trang web phòng, chống thiên tai của tỉnh về tình hình xâm nhập mặn để tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm bảo đảm người dân nắm bắt được thông tin về chất lượng nước sông cũng như nội đồng để người dân chủ động lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt được an toàn và hiệu quả,...
Bơm nước ngọt từ kênh vào đồng ruộng để bảo đảm sản xuất
Chủ động ứng phó hạn, mặn
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng cho biết: Năm 2016, tỉnh chịu ảnh hưởng của nắng nóng, hạn, xâm nhập mặn,... gay gắt, gây thiệt hại hàng ngàn hécta cây trồng và gây thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân ở các huyện vùng hạ. Nhưng hiện nay, do nguồn nước lũ thượng nguồn dồi dào và có những đợt mưa trái mùa khá lớn ở hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh nên độ mặn xuất hiện trễ hơn (khoảng 3 tuần) so với năm 2016. Nhìn chung, tình hình hạn, xâm nhập mặn năm 2017 được dự báo sẽ không khốc liệt và gay gắt so với năm 2016.
Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, hạn, xâm nhập mặn, bảo đảm việc cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ ĐX 2016-2017 đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra một số giải pháp:
Huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, tuân thủ đúng lịch thời vụ được khuyến cáo; thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin, dự báo về tình hình khí tượng, thủy văn, tình hình hạn, xâm nhập mặn phổ biến cho người dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.
Tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình hạn, xâm nhập mặn, xác định vùng thường xuyên thiếu nước để có hướng giải quyết về nguồn nước, trữ nước, phát huy công suất trạm bơm điện nhỏ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Kiểm tra thường xuyên các công trình thủy lợi đầu mối, khắc phục tình hình rò rỉ nước mặn vào nội đồng và có kế hoạch vận hành, điều tiết các cống đầu mối hợp lý nhằm phục vụ tốt việc ngăn mặn, trữ ngọt, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
Đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét hệ thống công trình thủy lợi chính và nội đồng bằng nhiều nguồn vốn được phân bổ nhằm nâng cao năng lực tưới tiêu, đồng thời tăng thể tích trữ nguồn nước ngọt khi cần thiết.
Rà soát, rút kinh nghiệm từ diễn biến xâm nhập mặn thực tế trong mùa khô năm 2016, đề xuất đầu tư thi công các công trình ngăn mặn, trước mắt và lâu dài; đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình cấp nước tập trung được duyệt, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân. Rà soát, đề xuất kế hoạch phân kỳ đầu tư các công trình cấp nước trước mắt và lâu dài phù hợp với phạm vi ảnh hưởng từng vùng và nhu cầu cấp thiết của người dân,... ./.
Lê Huỳnh