Tiếng Việt | English

05/01/2016 - 15:34

Long An

Chú trọng thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt

Những ngày đầu năm mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An chỉ đạo các ngành liên quan tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó, tập trung chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa năng suất kém, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây khác như: Thanh long, chanh, bắp, mè,... nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên cùng một diện tích đất. Đồng thời áp dụng quy trình sản xuất theo hướng GAP để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.


Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Hiệu quả từ những năm qua 

Thực hiện Quyết định số 580/QĐ-TTg ngày 22-4-2014 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua, tỉnh hỗ trợ gần 7,3 tỉ đồng để nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng bắp, mè, rau.

Trong năm 2014, toàn tỉnh chuyển trên 10.884,62ha đất lúa sang các cây trồng khác như: Thanh long 3.624ha, chanh 2.075ha, bắp 276ha, mè 1.744ha, đậu phộng 22,9ha, dưa hấu 264,7ha, rau các loại 2.877ha. Trong năm 2015 tiếp tục chuyển đổi thêm 3.830,5ha. Nhìn chung, các cây trồng chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, cây chanh đem lại lợi nhuận từ 150-250 triệu đồng/ha/năm; cây thanh long lợi nhuận 350-500 triệu đồng/ha/năm; rau các loại lợi nhuận trên 70 triệu đồng/ha;...

Bà Huỳnh Thị Lùn, ở ấp 11, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa cho biết: “Hiện gia đình tôi có gần 1ha trồng mía, lúa chuyển sang trồng chanh mang lại lợi nhuận đáng kể. Trung bình mỗi năm, tôi thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trước đây”.


Các cây trồng chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Bên cạnh đó, chất lượng cây trồng cũng được ngành đặc biệt chú trọng, nhất là về cơ cấu giống lúa tiếp tục được chuyển dịch theo hướng chất lượng cao, giá trị cao. Hiện nay, trên toàn tỉnh có trên 60% diện tích sử dụng giống xác nhận, 30% sản lượng lúa đạt lúa chất lượng cao, giống lúa IR 50404 được khống chế ở mức 10-15%. Đồng thời nhiều loại cây trồng được chứng nhận sản xuất theo GAP: 88,15ha lúa sản xuất theo VietGAP (6,15ha đã chứng nhận, 82ha đang làm thủ tục chứng nhận); chanh 100ha (60ha sản xuất theo VietGAP, 40ha GlobalGAP); thanh long 33,4ha sản xuất theo GlobalGAP và 44ha rau sản xuất theo VietGAP.

Trên cơ sở các quy hoạch, đề án được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai xây dựng cánh đồng lớn đạt hiệu quả đáng kể: Năm 2015, sở phối hợp 19 doanh nghiệp thực hiện 63 lượt cánh đồng với diện tích ước 28.555,5ha, tăng 11.160,4ha so với năm 2014, tăng 8.555,5ha so kế hoạch năm 2015. Giá thu mua lúa cao hơn giá thị trường từ 100– 150 đồng/kg, lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ 3-5 triệu đồng/ha/vụ.


Cây chanh đem lại lợi nhuận từ 150-250 triệu đồng/ha/năm

Phương hướng năm 2016

Trong năm 2016, mục tiêu của ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp theo hướng khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của từng vùng, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo hướng liên kết “4 nhà” gắn với xây dựng nông thôn mới; coi trọng chất lượng, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao đời sống vật chất cho người dân; phấn đấu mức tăng trưởng toàn ngành năm 2016 đạt 2,7%, sản lượng lúa đạt trên 2,82 triệu tấn (trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao đạt 950.000 tấn), sản lượng thanh long 130.000 tấn, chanh đạt 110.000 tấn,...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Lê Văn Hoàng cho biết: “Nhiệm vụ đầu năm mới của ngành là tập trung chỉ đạo các cấp hướng dẫn nông dân trong sản xuất để có vụ Đông Xuân thắng lợi. Trong đó, nhiệm vụ cơ bản: Tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; tập trung công tác quảng bá ứng dụng nhanh, rộng các loại giống cây trồng có chất lượng cao vào sản xuất; theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời dịch bệnh, thời tiết, khí hậu, thủy văn để kịp thời thông báo, khuyến cáo nông dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm phát hiện kịp thời hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại đến sản xuất”./.

Hải Phong

Chia sẻ bài viết