Tiếng Việt | English

21/06/2024 - 08:43

Chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng có lãi suất lên đến 8%/năm

Một số ngân hàng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi để thu hút tiền nhàn rỗi từ người dân với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa công bố ra mắt sản phẩm chứng chỉ tiền gửi mang tên FLEXI với lãi suất cao hơn tiết kiệm. Đây là sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân. Khi có nhu cầu vốn trước hạn, khách hàng có thể chuyển nhượng lại cho khách hàng khác hoặc Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương với giá thỏa thuận bằng hình thức giao dịch linh hoạt, an toàn và nhanh chóng.

Chứng chỉ tiền gửi ngân hàng có lãi suất lên đến 8%/năm. (Ảnh: NGỌC THẮNG)

Mệnh giá phát hành tối thiểu của chứng chỉ tiền gửi FLEXI là 1 tỉ đồng. Mỗi khách hàng được mua tối đa 30 tỉ đồng. VietinBank không công bố chi tiết về lãi suất của chứng chỉ tiền gửi FLEXI nhưng trong bảng minh họa đưa ra cho thấy lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm tại chính nhà băng này. Ví dụ, nếu khách hàng có 2 tỉ đồng nhàn rỗi nếu mua chứng chỉ tiền tiền FLEXI sau 32 ngày sẽ có lãi hơn 5,26 triệu đồng, tương ứng lãi suất 3%/năm; nếu để thời gian lên đến 97 ngày (hơn 3 tháng), mức lãi nhận được là hơn 17 triệu đồng, tương ứng lãi suất 3,2%/năm. VietinBank cũng nhấn mạnh lợi nhuận của nhà đầu tư được thay đổi theo từng kỳ hạn.

Trong khi đó, lãi suất tiền gửi đối với khách hàng cá nhân tại ngân hàng này cho kỳ hạn từ 1 - 2 tháng trả lãi sau chỉ là 1,7%/năm; kỳ hạn từ 3 đến dưới 4 tháng là 2%/năm; kỳ hạn từ 6 -đến dưới 12 tháng là 3%... Như vậy, chứng chỉ tiền gửi FLEXI có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm thông thường đối với kỳ hạn dưới 12 tháng.

Hay Ngân hàng PVcomBank cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi đợt 2 năm 2024 dành cho khách hàng cá nhân với mức lãi suất cố định lên tới 8%/năm. Mức mệnh giá chứng chỉ tiền gửi từ 10 triệu đồng. Nhà băng này công bố chỉ phát hành chứng chỉ tiền gửi với hạn mức 5.000 tỉ đồng. Khách hàng có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố chứng chỉ tiền gửi tùy theo thỏa thuận, tăng cường khả năng thanh khoản trong ngắn hạn và dài hạn. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi này cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm online cao nhất của chính PVcomBank đang áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên là 5,5%/năm.

Techcombank cũng có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi Bảo Lộc có kỳ hạn 48 tháng, lợi nhuận tới 3,6%/năm cho thời hạn 3 tháng và lãi suất cũng được thay đổi theo từng kỳ. Khách hàng có thể tham gia từ 10 triệu đồng và được phép chuyển nhượng online dễ dàng.../.

Chứng chỉ tiền gửi là một loại giấy tờ có giá được tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng phát hành để huy động vốn. Chứng chỉ tiền gửi thường có kỳ hạn dài, lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, đối với chứng chỉ tiền gửi, người mua sẽ không được phép tất toán trước khi hết hạn. Nếu có nhu cầu rút tiền gấp, người sở hữu có thể chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi cho người khác tùy thuộc vào điều kiện mà loại hình chứng chỉ tiền gửi đã mua.
Lãi suất huy động giảm sâu, tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng mạnh

Lãi suất huy động giảm sâu, tiền gửi của người dân vào ngân hàng vẫn tăng mạnh 

So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi tháng 10/2023 tăng thêm 9,95%, tương ứng với hơn 583.800 tỷ đồng cho dù lãi suất huy động đã giảm sâu đáng kể.

Theo thanhnien.vn

Nguồn: https://thanhnien.vn/chung-chi-tien-gui-cua-ngan-hang-co-lai-suat-len-den-8-nam-185240620143714508.htm

Chia sẻ bài viết