Nhiều bệnh nhân lao được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn, dần đẩy lùi nguồn lây mới trong cộng đồng
Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Bệnh lao là “kẻ giết người hàng đầu” trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Tính trên toàn thế giới, mỗi ngày lại có thêm 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Những nỗ lực toàn cầu để chống lại bệnh lao đã cứu sống khoảng 54 triệu người kể từ năm 2000 và giúp giảm tỷ lệ tử vong do lao xuống còn 42%. Tuy nhiên, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người tử vong hàng năm.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2018, ước tính năm 2017, Việt Nam có khoảng 124.000 người mắc lao mới. Chương trình chống lao Quốc gia đã phát hiện hơn 100.000 người mắc lao và hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính 12.000 người, cao hơn nhiều so với số tử vong do tai nạn giao thông.
Bác sĩ Lê Văn Bảy - Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An, thông tin: “Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc, trong đó, 64% BN lao thường và 98% BN lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn trên 20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. Đặc biệt, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Quyết tâm đẩy lùi bệnh lao
Để thúc đẩy các quốc gia đạt mục tiêu trong cuộc chiến với bệnh lao, các nguyên thủ đã cùng nhau đưa ra cam kết mạnh mẽ để chấm dứt bệnh lao tại Hội nghị Cấp cao đầu tiên của Liên Hiệp Quốc vào ngày 26/9/2018. Tại đây, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Góp phần đạt mục tiêu này, thời gian qua, Long An triển khai nhiều hoạt động phòng, chống lao và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động được sự hỗ trợ từ Bệnh viện Phổi Trung ương và Hiệp hội Chống lao Hà Lan. Công tác phòng, chống lao luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dữ liệu, trao đổi thông tin đã được triển khai tại huyện.
Theo đó, năm 2018, toàn tỉnh có 2.234 ca mắc bệnh lao các thể được phát hiện, đạt 103,4% kế hoạch. Những BN mới phát hiện được điều trị kịp thời theo phác đồ, giảm nhiều nguy cơ lây bệnh cho người khác. BN được điều trị khỏi bệnh lao phổi mới có vi trùng lao trong đàm đạt 93,7% (chỉ tiêu trên 85%). Tổng số ca bệnh lao kháng thuốc được phát hiện và thu dung điều trị năm 2018 là 67 ca, đạt 89,3% kế hoạch, tăng 9,8% so với năm 2017.
Mạng lưới hoạt động công tác phòng, chống lao của tỉnh bao phủ đến tận xã, phường, thị trấn. Đa số nhân viên y tế đảm nhận công tác chống lao có kiến thức, kinh nghiệm về quản lý và điều trị bệnh. Nhờ vậy, BN lao được chăm sóc, hỗ trợ điều trị tại cơ sở y tế gần nhất.
Ông Mai Hiền Đệ (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) chia sẻ: “Tôi bị bệnh lao và điều trị được hơn 10 tháng. Bệnh của tôi được lãnh thuốc và chích thuốc tại Trạm Y tế thị trấn Đức Hòa. Mỗi tháng, tôi đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Long An tái khám và làm các xét nghiệm. Do tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ nên bệnh của tôi thuyên giảm nhiều. Tôi cũng chú ý phòng tránh lây lan cho người thân và cộng đồng vì đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”.
Theo ước tính, mỗi năm, tại Việt Nam phát hiện thêm khoảng 124.000 người mắc lao, trong đó 20% bệnh nhân không có thẻ BHYT
Ngày Thế giới Phòng, chống lao (24/3/2019) với chủ đề “Đã đến lúc cùng hành động để chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030”. Bác sĩ Lê Văn Bảy cho biết: “Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi tất cả mọi người cùng chung tay thực hiện. Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao; đồng thời, kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ngành chức năng. Trong đó, biện pháp phát hiện sớm bệnh là thực hiện tầm soát chủ động phát hiện bệnh trong cộng đồng nhưng đòi hỏi kinh phí thực hiện cao”.
Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nhưng để lại những hậu quả nặng nề và trở thành dịch bệnh nguy hiểm. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế trong việc tầm soát bệnh, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng, chống lao, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030./.
Từ ngày 10/3 đến hết ngày 09/5/2019, Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia (Cổng 1400) triển khai đợt vận động ủng hộ “Nhắn tin hỗ trợ chữa bệnh lao” với cú pháp TB gửi 1402 (18.000 đồng/tin nhắn). Đây là chương trình nhằm hỗ trợ bệnh nhân lao do Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) thực hiện. Mục tiêu của Quỹ PASTB là hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho những người bệnh lao chưa có thẻ trong thời gian điều trị, đặc biệt là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ước tính, mỗi năm, tại Việt Nam phát hiện thêm khoảng 124.000 người mắc lao, trong đó 20% bệnh nhân không có thẻ BHYT. Điều này khiến nhiều người không có khả năng tiếp tục điều trị bệnh. Vì vậy, mọi người hãy chung tay nhắn tin ủng hộ chương trình, giúp người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn có thể chiến thắng bệnh tật.
|
Ngọc Mận