Tiếng Việt | English

18/06/2016 - 21:57

Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình

Mặc dù, số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) ngày càng giảm nhưng những hệ quả từ vấn nạn này lại ngày càng nghiêm trọng. Đáng buồn, có một số vụ BLGĐ lại xảy ra ở những địa phương được công nhận danh hiệu xã văn hóa, xã nông thôn mới,... Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng xã văn hóa, nông thôn mới.


Khi vợ chồng biết sẻ chia cùng nhau, sẽ góp phần hạn chế bạo lực gia đình

Những câu chuyện đau lòng

Hơn 1 năm trôi qua, câu chuyện chồng giết vợ, chôn trong nhà ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An làm đau lòng biết bao người mỗi khi nhắc lại. Tháng 3-2015, ông Đ.T.N. giết người vợ tên N.T.L., sau đó đào hố chôn ngay trong nhà và tráng xi măng bên trên để phi tang. Sau 4 ngày, thi thể bốc mùi hôi, người thân trong gia đình báo công an nên hành vi giết vợ của N. bị lộ.

Theo người thân trong gia đình kể lại, N. và chị L. kết hôn từ năm 1991, có với nhau 3 người con. Năm 2010, N. cùng vợ con về chung sống ở xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ. Trong thời gian sống ở đây, vợ chồng N. thường phát sinh mâu thuẫn vì ghen tuông và nợ nần. N. nhiều lần đánh vợ. Gia đình nhà vợ thấy vậy, không cho N. ở chung nữa. Sau đó, N. cất nhà ở riêng một mình gần nhà vợ. Mâu thuẫn ngày càng nhiều, không thể hàn gắn, sự việc đau lòng nêu trên đã xảy ra.

Qua sự việc này cho thấy, nguyên nhân chính là vì mâu thuẫn gia đình không được giải quyết dứt điểm, vợ chồng không cùng chung tiếng nói nên hậu quả để lại quá nặng nề. Còn với xã văn hóa Mỹ Thạnh Đông, trên chặng đường xây dựng xã nông thôn mới và phúc tra công nhận lại xã văn hóa, chắc chắn câu chuyện đau lòng này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vì địa bàn từng xảy ra trọng án.

Không chỉ phụ nữ, đàn ông cũng trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình ở một thị trấn văn hóa. Cụ thể, ngày 24-9-2015, Công an thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An mời và trao quyết định xử phạt hành chính trên lĩnh vực an ninh, trật tự đối với chị H. số tiền 1 triệu đồng về hành vi đánh đập, gây thương tích thành viên gia đình theo Nghị định 167/CP. Trong vòng 2 tuần của tháng 9-2015, anh T. (44 tuổi) - chồng chị H., sống chung gia đình, bị vợ hành hung 4 lần, sau đó đuổi ra khỏi nhà, phải về nhà mẹ ruột “lánh nạn”. Mỗi lần bị vợ “xử”, thân thể anh đều bị trầy xước nhiều do bị đánh bằng củi và vật cứng. Trước đó, năm 2014, chị H. cũng đánh chồng mấy lần, có lần dùng dây xích khóa cửa, đánh gây thương tích ở vai. Lần đó, người chồng phải nghỉ lao động hết 3 tuần để dưỡng thương.

Theo Công an thị trấn Tân Trụ, khi làm việc với công an, chị H. cho biết, lý do thường bạo hành chồng vì chồng ít chịu lao động, thường đi nhậu, khi vợ nói thì lại chửi thề hoặc cự cãi lớn tiếng. Điều hiếm thấy, dù bị đánh đau nhưng anh chồng chưa lần nào phản ứng lại.


Tạo điều kiện, việc làm cho phụ nữ nông thôn góp phần thực hiện bình đẳng giới, giảm bạo lực gia đình

Chung tay phòng, chống BLGĐ

Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, trong năm 2015, có 100 vụ BLGĐ được phát hiện; trong đó, nhiều nhất là huyện Thạnh Hóa với 17 vụ, huyện Đức Hòa 12 vụ,... Theo thống kê chi tiết, số người bạo lực chủ yếu là nam giới (98 người). Trong đó, xử lý bằng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư 59 vụ; tạm giữ, xử phạt hành chính 39 vụ và xử lý hình sự 1 vụ.

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tỉnh, tính từ năm 2012 đến tháng 5-2016, số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh được phát hiện là 726 vụ. Trong đó, hòa giải, tư vấn, trợ giúp pháp lý 324 vụ; áp dụng biện pháp giáo dục 71 đối tượng; xử phạt hành chính 281 đối tượng và xử lý hình sự 50 đối tượng có hành vi BLGĐ nghiêm trọng.

Điều đáng lo ngại là nếu như trước đây, người bị bạo hành trong gia đình thường bỏ đi thì hiện nay lại xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như tự tử, giết người. Theo thống kê, trong giai đoạn 2009-2015, có 29 người chết vì BLGĐ. Ngoài ra, BLGĐ còn làm rạn nứt tình cảm vợ chồng, dẫn đến ly hôn, ảnh hưởng đến việc học hành, sự phát triển của các con. Năm 2014, BLGĐ dẫn đến 95 vụ ly hôn.

Theo đánh giá của ngành chức năng, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bạo hành gia đình do sự thiếu hiểu biết về pháp luật, bất bình đẳng giới, quan niệm trọng nam-khinh nữ, mâu thuẫn gia đình không được giải quyết dứt điểm, kinh tế gia đình khó khăn và người phụ nữ thường cam chịu khi BLGĐ xảy ra; người đàn ông thường lạm dụng rượu, bia để gây ra bạo lực.


Thông qua hội thi, những kiến thức về bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được tuyên truyền

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh - Lê Thị Thu Cúc cho biết, Hội LHPN Việt Nam tỉnh và UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các Hội Phụ nữ cơ sở thực hiện công tác phòng, chống bạo hành gia đình. Ở tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình, trong đó có các thành viên Hội LHPN tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp,... Riêng Hội LHPN tỉnh, những năm qua thành lập nhiều mô hình, phong trào nhằm phòng, chống BLGĐ. Tiêu biểu như mô hình Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng được xây dựng từ năm 2013. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 405 Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng ở 192 xã, phường, thị trấn trong tỉnh với 2.250 thành viên tham gia. Những địa chỉ này đóng tại xã, phường, thị trấn hoặc tại nhà dân, nhà của cán bộ phụ nữ để giúp đỡ những nạn nhân của bạo hành gia đình tìm đến ẩn náu; sau đó, chính quyền, đoàn thể sẽ vào cuộc tìm hiểu, can thiệp, giải quyết.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, năm 2016, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn về việc tổ chức Tháng hành động phòng, chống BLGĐ, diễn ra từ ngày 1-6 đến ngày 30-6-2016. Dịp này, các địa phương tổ chức hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống BLGĐ. Bên cạnh đó, sẽ tập trung thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, tập trung Đề án “Kiện toàn, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020” và Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020”. Quá trình thực hiện chiến lược cũng sẽ thực hiện “Chương trình hành động Quốc gia về phòng, chống BLGĐ đến năm 2020” và chọn 3 huyện: Châu Thành, Đức Hòa, Tân Thạnh cùng 37 xã, phường, thị trấn trong tỉnh làm điểm thực hiện./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết