Tuyên truyền pháp luật, trang bị kỹ năng sống cho trẻ em được các cấp, các ngành tăng cường thực hiện. Đó cũng là một giải pháp để các em chủ động phòng tránh nguy cơ xâm hại tình dục, bạo hành
Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em
Về vấn đề XHTDTE, vừa qua, tại phiên họp trực tuyến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, trả lời nhiều câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành trong cả nước. Theo Bộ trưởng Tô Lâm, nguyên nhân xảy ra nhiều vụ việc xâm hại trẻ em là do ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm chưa được phát huy tốt. Nhiều gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc trẻ em, trẻ thiếu kỹ năng tự vệ. Việc dự báo, tiếp nhận thông tin, tố giác tình trạng XHTDTE chưa kịp thời nên khám nghiệm hiện trường thu thập dấu vết chứng cứ còn nhiều khó khăn. Nạn nhân và người thân thường giấu kín, không tố giác,...
Tại Long An, những năm gần đây phát hiện nhiều vụ XHTDTE. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2017, toàn tỉnh có 55 trường hợp trẻ em bị XHTD. Năm 2015, xảy ra 23 trường hợp; năm 2016 là 13 trường hợp và năm 2017 có 19 trường hợp.
Trong khi đó, theo báo cáo của Công an tỉnh, năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ hiếp dâm người dưới 16 tuổi; 11 vụ giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Trong các loại tội phạm năm 2018 thì nổi lên có hiếp dâm trẻ em.
Theo thông tin từ Công an tỉnh, có vụ việc XHTDTE lại chính là người quen, thân thích, ruột thịt. Như vụ việc Hồ Văn Hoàng (47 tuổi), ngụ xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc, đã có hành vi dâm ô với chính con gái mình (10 tuổi). Từ đó, cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố tội danh “hiếp dâm trẻ em” đối với Hoàng.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Hồ Văn Hoàng khai nhận đã 5 lần thực hiện hành vi XHTD với chính con gái ruột trong lúc mẹ và bà nội bé không có mặt tại nhà. Mở rộng điều tra, đối tượng Hoàng còn khai nhận có hành vi XHTD 2 lần đối với 1 bé gái sinh năm 2005 và 1 bé gái sinh năm 2011.
Chung tay bảo vệ trẻ em
Để phòng ngừa tình trạng XHTDTE, trợ giúp trẻ bị XHTD, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, tập huấn về các quy định của luật và các nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là những quy định về bảo vệ trẻ em và quy trình, thủ tục hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại.
Ngoài ra, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần có kế hoạch tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Phối hợp cơ quan báo chí tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể, gia đình và mỗi người dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Theo Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới - Phan Thị Nguyệt, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bảo đảm cho các em được sống trong môi trường an toàn, được chăm sóc phục hồi, hòa nhập với gia đình và cộng đồng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giới thiệu Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) và Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội tỉnh (02723 513 663) để mọi trẻ em, cá nhân, cơ quan, tổ chức liên hệ miễn phí khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Ngoài ra, Công an tỉnh thông tin rộng rãi về các số điện thoại nóng tố giác tội phạm (113) trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thuận lợi trong việc cung cấp thông tin phản ánh, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Để phòng ngừa, phát hiện những vụ việc xâm hại trẻ em, các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em. Tăng cường phổ biến, giáo dục cho trẻ kỹ năng sống, kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực thông qua các buổi học ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề.
“Gia đình phải luôn quan tâm chăm sóc, yêu thương trẻ; quan tâm giáo dục con em mình ngay từ nhỏ, trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết về giới tính, tình dục từ sớm, giáo dục tâm sinh lý cho trẻ, theo dõi sự phát triển về mặt tâm sinh lý của trẻ để hướng dẫn, định hướng cho trẻ kịp thời. Trẻ em trong độ tuổi dậy thì, gia đình phải quản lý, theo dõi sát việc học tập, vui chơi, giải trí, sử dụng mạng xã hội, mối quan hệ bạn bè. Song song đó, gia đình cần mạnh dạn tố cáo hành vi XHTDTE với cơ quan chức năng,...” - bà Phan Thị Nguyệt nhấn mạnh thêm một số giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn XHTDTE./.
Vũ Quang