Tiếng Việt | English

18/06/2020 - 11:19

Chung tay vì công tác dân số

Những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh Long An đạt những kết quả tích cực. Kết quả đó chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chung tay của các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động.

Tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình phù hợp
Tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình phù hợp

Nhằm chung tay thực hiện công tác DS, hàng năm, Trung tâm Y tế cấp huyện ký kết liên tịch với các ngành, đoàn thể thực hiện hiệu quả chương trình công tác DS-sức khỏe sinh sản (SKSS). Theo đó, chương trình DS-SKSS được thực hiện gắn với chương trình hoạt động chuyên môn của ngành, đoàn thể. Cụ thể, UBMTTQ Việt Nam cấp huyện hướng dẫn ban công tác Mặt trận ấp, khu phố lồng ghép đánh giá mô hình đưa chính sách DS-SKSS vào quy ước ấp, khu phố gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phòng Văn hóa - Thông tin các địa phương tổ chức kiểm tra cơ sở kinh doanh các loại sách, báo, văn hóa phẩm và in ấn, photo liên quan đến lựa chọn giới tính khi sinh.Qua đó, kịp thời nhắc nhở các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt các quy định của nhà nước về công tác DS.

Trưởng phòng DS thuộc Trung tâm Y tế huyện Bến Lức - Nguyễn Sanh Tài cho biết: “Thực hiện công tác DS-KHHGĐ, Phòng Tư pháp huyện chỉ đạo công chức tư pháp các xã, thị trấn thực hiện tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân cho nam, nữ đăng ký kết hôn; phối hợp các trạm y tế tổ chức các cuộc nói chuyện chuyên đề về chính sách DS-SKSS, lợi ích mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Ngoài lồng ghép tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về bình đẳng giới, hướng dẫn sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, Liên đoàn Lao động huyện còn thực hiện tốt mô hình Lắng nghe ý kiến công nhân, lao động; phối hợp tổ chức đội lưu động tư vấn, khám và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho công nhân, lao động tại các công ty, doanh nghiệp”.

Siêu âm tầm soát các bệnh lý phụ khoa cho phụ nữ trong các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản

Siêu âm tầm soát các bệnh lý phụ khoa cho phụ nữ trong các đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản

Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh các địa phương tổ chức truyền thông, nói chuyện chuyên đề về chính sách DS-SKSS lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi, tổ, hội; duy trì các câu lạc bộ, các tổ không sinh con thứ 3 trở lên. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân nâng cao nhận thức trong thực hiện các biện pháp chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Chị Lê Thị Huệ (phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Thông qua hệ thống loa, đài và cộng tác viên DS đến tuyên truyền, tôi biết Trạm Y tế phường triển khai chiến dịch khám SKSS định kỳ miễn phí cho phụ nữ nên tham gia. Qua đó, giúp tôi tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại tại địa phương và tầm soát các bệnh lý phụ khoa.Nếu mắc bệnh thì được tư vấn và điều trị kịp thời”.

Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh phối hợp ngành DS tích cực tuyên truyền về những tác hại của tảo hôn, giúp các bạn trẻ nâng cao kỹ năng sống và có cách hành xử đúng đắn trong cuộc sống.Hoạt động tuyên truyền còn giúp đoàn viên, thanh niên trang bị những kiến thức cơ bản về SKSS. Từ đó, hình thành lối sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội, góp phần giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và lây truyền các bệnh qua đường tình dục.

Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh - Đoàn Văn Ngà nhận định: “Sự chung tay của các ngành, đoàn thể góp phần đáng kể trong thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng DS. Từ đó, giúp duy trì mức sinh hợp lý, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngành phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ số giới tính khi sinh đạt dưới 107 nam/100 nữ; 89 xã, phường, thị trấn và 83% ấp, khu phố không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đồng thời, phấn đấu có 100% hệ thống chính trị và trên 80% người dân nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên; vị trí, vai trò của quy ước, nghĩa vụ và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng đối với công tác DS-KHHGĐ”.

Công tác DS-KHHGĐ không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế mà còn có ý nghĩa về văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và của mỗi địa phương nói riêng. Để đạt các chỉ tiêu trong thực hiện công tác DS-KHHGĐ, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự chung tay của các ngành, đoàn thể./.

Ngọc Mận

 

Chia sẻ bài viết