Thông qua họp nhóm, phụ nữ được trang bị kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình
Từng bước tháo gỡ khó khăn
Năm 2018 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác DS trong tình hình mới. Đây còn là năm thứ 3 thực hiện giai đoạn II (2016-2020) của Chiến lược DS - Sức khỏe sinh sản (SKSS) Việt Nam giai đoạn 2011- 2020; thực hiện chuyển hướng phân cấp cho các địa phương bố trí ngân sách chi công tác DS.
Theo thông tin từ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, kinh phí từ ngân sách Trung ương giảm mạnh và giao dự toán rất chậm, một số địa phương bố trí rất ít ngân sách chi công tác DS. Từ đó, hoạt động của các đề án, mô hình, công tác truyền thông bị ảnh hưởng. Một số hoạt động chậm triển khai do thay đổi mô hình tổ chức. Hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho công nhân khu công nghiệp chưa đạt yêu cầu. Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi triển khai chậm nên một số chỉ tiêu chưa thực hiện. Sau khi sáp nhập các trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố vào trung tâm y tế thành Phòng DS theo Đề án số 02/ĐA-TU của Tỉnh ủy về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tại một số địa phương, công tác phối hợp triển khai các hoạt động DS chưa đồng bộ.
Tuy công tác DS trong tình hình mới còn nhiều khó khăn nhưng ngành DS tỉnh nỗ lực thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều chỉ tiêu DS-SKSS đạt và vượt so kế hoạch. Cụ thể, tỷ lệ giảm sinh con thứ 3 trở lên đạt 0,49% (kế hoạch 0,05%); tỷ số giới tính khi sinh là 105,3 nam/100 nữ (năm 2017 là 106,5 nam/100 nữ). Toàn tỉnh có 80 xã không có người sinh con thứ 3 trở lên, đạt 102% kế hoạch; 846 ấp không có người sinh con thứ 3 trở lên, đạt 104,7% kế hoạch. Sàng lọc sơ sinh theo DS mục tiêu 17.041 trẻ, đạt 98,9%; sàng lọc trước sinh 16.755 thai phụ, đạt 97,2%. Đồng thời, tư vấn tiền hôn nhân cho 5.581 cặp nam nữ, đạt 98,1%; 30,81% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe (kế hoạch 20%);...
Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh - Đoàn Văn Ngà cho biết: “Đạt kết quả trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn. Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các cấp chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; giao chỉ tiêu thực hiện cụ thể cho từng địa phương; đưa công tác DS-KHHGĐ vào quy ước ấp, khu phố”.
Nâng cao chất lượng dân số
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác DS trong tình hình mới, huyện Cần Giuộc chuyển trọng tâm chính sách DS từ KHHGÐ sang DS và phát triển. Theo đó, các ngành thành viên ngoài phối hợp tuyên truyền, còn duy trì các mô hình: Chi, tổ hội không có người sinh con thứ 3 trở lên; chi, tổ hội phụ nữ sinh con một bề không sinh con thứ 3 trở lên; phụ nữ thực hiện KHHGĐ khi được vay vốn; câu lạc bộ không có người sinh con thứ 3 trở lên; thực hiện tốt KHHGĐ góp phần cải thiện cuộc sống cộng đồng dân cư; khu dân cư tiên tiến không có người sinh con thứ 3 trở lên;…
Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được triển khai 2 đợt trong năm giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ. Thông qua các cuộc nói chuyện chuyên đề, họp nhóm, tư vấn tại điểm khám, các cuộc truyền thông lưu động và tờ bướm, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu giúp phụ nữ trang bị kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Tổng các biện pháp tránh thai (đình sản, dụng cụ tử cung, thuốc cây, thuốc tiêm, thuốc uống, bao cao su) trong năm đạt 110,16%.
Theo Trưởng phòng DS, Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc - Hà Mai Loan, năm 2018, huyện duy trì hoạt động Câu lạc bộ Tiền hôn nhân tại thị trấn Cần Giuộc và xã Tân Kim. Phòng DS phối hợp tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho 1.607 trường hợp. Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được chú trọng thực hiện. Qua đó, kịp thời phát hiện sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh. Năm qua, có 2.140 thai phụ sàng lọc trước sinh, đạt 97,1%; 2.193 trẻ được lấy máu gót chân sàng lọc sơ sinh, đạt 99,5%. Ngoài ra, huyện thực hiện tốt việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh của huyện hiện nay là 102 nam/100 nữ. Tỷ suất sinh thô là 11,19‰, giảm 0,96‰ (kế hoạch giao giảm 0,05‰).
Công tác tuyên truyền các nội dung chính sách DS trong quy ước ấp, khu phố được thực hiện thường xuyên trên hệ thống loa đài, các cuộc sinh hoạt tổ, nhóm, câu lạc bộ. Huyện có 9 xã đưa chính sách DS vào quy ước ấp. Việc xây dựng mô hình xã, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên được tập trung thực hiện. Hiện toàn huyện có 59 ấp, khu phố chưa có người sinh con thứ 3 trở lên.
Tại huyện Châu Thành, các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh thực hiện, trong đó chú trọng cả hoạt động truyền thông trực tiếp lẫn gián tiếp. Ngành DS phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tổ chức họp nhóm, nói chuyện chuyên đề về những nội dung của công tác DS trong tình hình mới được trên 1.130 cuộc, có trên 30.000 lượt người dự.
Đối tượng tập trung tuyên truyền là các cặp vợ chồng có 2 con trở lên, các đối tượng sinh con một bề hay những đối tượng chưa thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Với những đối tượng khó vận động, cộng tác viên DS phối hợp ban, ngành, đoàn thể vãng gia trực tiếp từng hộ gia đình.
Chị Châu Thị Hồng Hạnh, ngụ ấp Bình An, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Qua tuyên truyền, người dân hiểu hơn về chính sách DS-KHHGĐ. Bản thân tôi cũng quan tâm đến việc chăm sóc SKSS. Mỗi đợt chiến dịch, tôi đều đến trạm y tế để được khám và tư vấn miễn phí. Các dịch vụ chăm sóc SKSS tại địa phương ngày càng nâng cao, giúp phụ nữ chúng tôi an tâm hơn”.
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại địa phương ngày càng nâng cao, giúp phụ nữ an tâm hơn
Phát huy những kết quả đã đạt, năm 2019, ngành DS tỉnh phấn đấu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng DS và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững; củng cố ban chỉ đạo các cấp; hoàn thiện tổ chức Phòng DS theo Công văn số 4236/SYT-TCHC, ngày 28/12/2018 của Sở Y tế tỉnh; phối hợp các ngành, đoàn thể triển khai hiệu quả các kế hoạch, mô hình, đề án;...
Thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ là một trong những giải pháp góp phần phát triển KT-XH của tỉnh, bởi đầu tư cho DS là đầu tư cho phát triển. Để công tác DS trong tình hình mới được thực hiện hiệu quả, cần chú trọng toàn diện các mặt về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng DS./.
Các chỉ tiêu cơ bản năm 2019:
- Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên: 0,05%; 40% xã không có người sinh con thứ 3 trở lên; triệt sản: 200 ca; thuốc cấy tránh thai: 870 ca; dụng cụ tử cung: 24.000 ca; thuốc tiêm tránh thai: 4.500 ca; thuốc uống tránh thai: 30.000 ca; bao cao su tránh thai: 32.000 ca; tỷ số giới tính khi sinh dưới 107,5 nam/100 nữ.
- 95% thai phụ được thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán trước sinh; 90% trẻ em sinh ra được bà mẹ sàng lọc trước sinh đủ 2 lần; 95% trẻ sinh ra được thực hiện kỹ thuật sàng lọc sơ sinh; 95% cặp nam, nữ thực hiện tư vấn và kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn; 35% người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; 40% phụ nữ ở độ tuổi từ 30-54 được sàng lọc ung thư cổ tử cung; 40% phụ nữ trên 40 tuổi được sàng lọc ung thư vú.
|
Ngọc Mận - Huỳnh Hương