Tập trung triển khai công tác chuyển đổi số
Năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp, những nỗ lực của Long An trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số đã thật sự phát huy hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho công tác điều hành, giải quyết công việc của cơ quan nhà nước và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Hệ thống hội nghị trực tuyến từ tỉnh đến huyện, xã - một trong các nền tảng số, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh
Phát huy kết quả đó; đồng thời, để chuẩn bị cho công cuộc thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, nhanh và bền vững, ngày 20/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Xuất phát từ đó, UBND tỉnh ban hành Chương trình số 3288/CTr-UBND, ngày 08/10/2021 cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU bằng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tạo bước đột phá trong xây dựng chính quyền số, phát triển KT-XH số trên phạm vi toàn tỉnh.
Đến ngày 01/10/2021, Sở TTTT trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch Thí điểm chuyển đổi số cho các xã trên địa bàn tỉnh năm 2021-2022 cho 3 đơn vị: xã Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành), thị trấn Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) và phường 4 (TP.Tân An).
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân, việc thí điểm mô hình chuyển đổi số cấp xã, thúc đẩy chuyển đổi số để chính quyền xã tăng cường tương tác với người dân, giúp người dân, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã mở rộng cơ hội tiếp cận với công nghệ số, dễ dàng giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, đặc trưng của địa phương trên môi trường số. Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm thực hiện thí điểm, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Với mục tiêu xây dựng vững chắc chính quyền số, phát triển mạnh mẽ kinh tế số, triển khai toàn diện xã hội số trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025: Đạt trên mức trung bình cả nước đối với các chỉ tiêu chuyển đổi số; 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được cung cấp mức độ 4; hoàn thành xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số chiếm10% GRDP; hạ tầng mạng băng rộng phủ trên 80% hộ gia đình và phủ tới 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh; hoàn thành triển khai các dịch vụ đô thị thông minh cơ bản tại TP.Tân An.
Chuyển đổi số trên lĩnh vực y tế, người dân cài đặt app Sổ sức khỏe điện tử, quét mã QR, khai báo y tế trên điện thoại thông minh
Cũng tại chương trình chuyển đổi số, UBND tỉnh vạch ra các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới. Cụ thể: Phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để dẫn dắt chuyển đổi số; cung cấp dịch vụ công chất lượng cao; sử dụng tối ưu nền tảng số giải quyết hiệu quả các vấn đề KT - XH của tỉnh.
Phát triển kinh tế số, từng bước tăng tỷ trọng kinh tế số để góp phần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đúng định hướng.
Phát triển xã hội số để người dân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giao dịch, tương tác với cơ quan nhà nước; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành xã hội, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Cụ thể, trong chương trình, UBND tỉnh nêu rõ, chuyển đổi số phải bắt đầu từ nhận thức vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách.
Quan điểm chuyển đổi số thực hiện trên phương châm “4 không, 1 có”: Làm việc không giấy tờ, hội họp không tập trung nhiều, dịch vụ công không gặp mặt, thanh toán không dùng tiền mặt và luôn có câu hỏi thông tin, dữ liệu được tiếp cận đã được số hóa chưa?
Đặc biệt, trong chương trình chuyển đổi số, UBND tỉnh đã xác định 8 lĩnh vực sẽ ưu tiên chuyển đổi số: Y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, tài chính ngân hàng, năng lượng, sản xuất công nghiệp.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Bá Luân cho biết, để chương trình chuyển đổi số đạt hiệu quả, thời gian tới, Long An sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm triển khai nội dung cơ bản, cốt lõi về chuyển đổi số, nhằm nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến xã (nhất là người đứng đầu), nâng cao nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số./.
Hà Lan