Tiếng Việt | English

09/10/2024 - 08:29

Chuyển đổi số trong đời sống - bắt đầu từ đâu?

Cuộc sống hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số nên chuyển đổi số (CĐS) không chỉ là xu hướng mà còn là một cuộc cách mạng, tác động sâu, rộng đến mọi lĩnh vực, từ KT-XH đến đời sống. Trong bối cảnh đó, người dân phải thích ứng và thay đổi để trở thành những công dân số. Nhưng câu hỏi đặt ra là CĐS nên bắt đầu từ đâu?

CĐS là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Việt Nam, CĐS với 3 trụ cột chính: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số có tác động đến tất cả mọi người. Hiện nay, các địa phương, người dân, doanh nghiệp,... đã và đang từng bước tham gia vào quá trình CĐS.

CĐS không chỉ là sử dụng các thiết bị công nghệ mà còn là việc chúng ta thay đổi cách làm việc, học tập, giao tiếp,... và ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động, từ sản xuất đến tiêu dùng, từ quản lý đến dịch vụ công. Vì thế, trở thành công dân số là thay đổi tư duy, nâng cao kỹ năng số và tham gia tích cực vào các hoạt động trực tuyến.

Tham gia vào công cuộc CĐS, trước tiên, mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, biết cách sử dụng các ứng dụng phục vụ công việc và cuộc sống. Sau đó là thay đổi thói quen trong cách làm việc, kết nối, tiêu dùng,... Không khó để thấy rằng, công nghệ số đang mở ra nhiều cơ hội việc làm, kết nối và tiêu dùng. Trước hết là cơ hội việc làm, nhiều người đã tìm kiếm được việc làm qua ứng dụng số. Cơ hội đó không chỉ bó buộc trong phạm vi địa phương, lãnh thổ, quốc gia,... Trong thực tế, nhiều bạn trẻ đang làm việc cho các công ty có trụ sở tại nước ngoài nhưng hiện vẫn sinh sống tại Việt Nam. Hay nhiều bạn làm việc bán thời gian, không phải đến công ty, doanh nghiệp bởi mọi sự phân công, kết nối, điều hành,... đều thực hiện qua công nghệ số. Công nghệ số còn giúp lan tỏa thông tin về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo của các công ty, doanh nghiệp, mang đến cho người lao động nhiều sự lựa chọn hơn. Đó chính là những cơ hội mới chỉ có trong thời đại công nghệ số.

Công nghệ số giúp mở rộng kết nối, phổ biến nhất là mạng xã hội với các ứng dụng nhắn tin, video call giúp mọi người kết nối dễ dàng hơn, bất kể khoảng cách địa lý. Ngoài ra, việc kết nối còn thể hiện rõ qua các ứng dụng về y tế như theo dõi sức khỏe, đặt lịch khám bệnh; giao thông thông minh; quản lý đô thị hiệu quả; học tập trực tuyến, thực tế ảo trong giáo dục;…

Công nghệ số cũng mở ra nhiều cơ hội mới trong tiêu dùng, thay đổi phương thức mua sắm. Thay vì đến cửa hàng, người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm mọi lúc, mọi nơi qua các sàn thương mại điện tử. Ví điện tử, thẻ ngân hàng, QR code,... giúp thanh toán trở nên nhanh chóng và tiện lợi hơn. Công cụ so sánh giá giúp người tiêu dùng tìm được sản phẩm với giá tốt nhất. Các chatbot, trợ lý ảo giải đáp thắc mắc và đưa ra gợi ý mua hàng cho người tiêu dùng. Công nghệ số còn giúp người bán mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng toàn cầu. Các doanh nghiệp có thể bán hàng trên toàn thế giới thông qua các sàn thương mại điện tử quốc tế.

Trong kỷ nguyên số, công nghệ đã len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, từ thay đổi cách làm việc, học tập đến giải trí, kết nối, tiêu dùng,... Cuộc sống số mang đến nhiều tiện ích và cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức. Đó là nguy cơ bị hack tài khoản, thông tin; bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo. Việc sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử có thể gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe và các mối quan hệ xã hội. Với lượng thông tin khổng lồ, người dùng dễ sa vào “ma trận” thông tin, không phân biệt được thật, giả. Không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận công nghệ, tạo ra khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.

CĐS là một quá trình tất yếu. Để thích ứng với sự thay đổi này, mỗi người cần chủ động trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Đồng thời, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức xã hội cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân trong quá trình CĐS./.

Tâm An   

Chia sẻ bài viết