Tiếng Việt | English

20/11/2023 - 09:56

Cô giáo mầm non hết lòng vì trẻ

Trên 20 năm gắn bó với nghề, cô Phạm Thị Diễm - giáo viên (GV) Trường Mầm non Tân Phước Tây (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), vẫn vẹn nguyên tình yêu nghề và hết lòng vì trẻ.

Nghề GV mầm non có những nỗi vất vả riêng so với GV các cấp học khác. Tuy nhiên, vì tình yêu lớn với nghề, với trẻ, cô Diễm lựa chọn theo đuổi nghề đến cùng. Khi mới vào nghề, điều kiện dạy học còn rất nhiều khó khăn, lương GV thấp nhưng cô không nản lòng, quyết tâm bám trường, bám lớp.

Trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, cô xem trẻ như con của mình mà tận tụy dạy dỗ, dìu dắt. Với cô, tất cả trẻ đều được đối xử công bằng, luôn dành nhiều tình cảm, tâm huyết để quan tâm, chăm sóc các em.

Tiết dạy của cô Phạm Thị Diễm luôn sinh động, trực quan, giúp trẻ hứng thú tiếp thu kiến thức mới

Cô Diễm chia sẻ: “Trẻ ở trường cả ngày, thời gian tiếp xúc, trò chuyện với cô giáo còn nhiều hơn với gia đình. Do vậy, trách nhiệm đồng hành cùng trẻ lớn khôn của cô giáo mầm non rất lớn. Tôi không chỉ chú trọng phát triển nhận thức, thẩm mỹ, ngôn ngữ, tình cảm xã hội, thể chất cho trẻ mà còn tạo môi trường học tập thuận lợi cho trẻ, giúp phụ huynh an tâm, tin tưởng nhà trường, cô giáo".

Để trở thành GV mầm non giỏi, cô giáo phải kiên trì, nỗ lực, nhẹ nhàng và hết lòng vì sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, với những trẻ quá hiếu động hoặc quá thụ động, GV phải có những giải pháp hiệu quả giúp trẻ tiến bộ. Vì vậy, vừa là cô giáo, là mẹ, là bạn của trẻ, cô Diễm chú trọng việc chia sẻ, lắng nghe và nắm bắt tâm lý của trẻ, từ đó có những phương pháp chăm sóc, giáo dục phù hợp, giúp trẻ phát triển tốt nhất và yêu thích đến trường. Cô luôn sử dụng các đồ dùng dạy học, đồ chơi, ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức hoạt động học, hoạt động chơi cho trẻ và lấy trẻ làm trung tâm trong tất cả hoạt động. Cô thường xuyên khích lệ, khen thưởng, động viên khi trẻ xung phong phát biểu, thực hành. Với hình thức học mà chơi, chơi mà học, tạo không khí lớp học luôn vui vẻ, sôi nổi, giúp trẻ hứng thú và chủ động pháp khám kiến thức mới.

Ngoài ra, cô quan tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ, nhất là lễ giáo, tính tự lập mọi lúc, mọi nơi. “Ngay đầu năm, tôi rèn cho trẻ tự làm những việc trong khả năng như mang dép, cất dép lên kệ, xếp quần áo, tự ăn cơm, dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong,... Trong quá trình trò chuyện với trẻ hay nghe trẻ trò chuyện cùng các bạn, tôi lồng ghép giáo dục trẻ lễ giáo, biết quan tâm, chia sẻ với mọi người. Đặc biệt, GV phải là tấm gương tốt để trẻ làm theo nên trong mọi hành động, lời nói tôi luôn chuẩn mực và gần gũi, thân thiện với trẻ” - cô Diễm cho biết.

Để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cô Diễm không ngừng học hỏi, nhất là học qua đồng nghiệp, tự nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ hay để áp dụng vào thực tế giảng dạy.

Nhờ những nỗ lực của mình, hết lòng vì trẻ, cô Diễm được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022. Năm 2023, cô được đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú./.

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết