Xác định được vai trò, trách nhiệm của GV mầm non, cô Thanh Tâm đem hết tình yêu thương, tâm huyết và không ngừng trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhờ đó, các lớp do cô phụ trách luôn đạt kết quả tốt, trẻ rất thích tham gia các hoạt động, phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo.
Cô, trò cùng trải nghiệm hoạt động bé làm thợ xây
Một ngày làm việc bắt đầu từ 6 giờ 30 phút và kết thúc vào 17 giờ, cô Thanh Tâm chăm sóc, cho trẻ ăn uống, vệ sinh, tập thể dục, dạy học và không quên tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Những công việc ấy cứ lặp đi lặp lại, tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi nhiều công sức và tình yêu nghề. Quả thật, chỉ có “người trong nghề” mới thấu hiểu hết những vất vả, áp lực mà GV mầm non trải qua mỗi ngày. Làm sao để trẻ luôn sạch sẽ, chăm ngoan, bảo đảm an toàn, phát triển toàn diện các kỹ năng,... tất cả đều cần có sự kiên trì và lòng yêu trẻ.
17 năm gắn bó với nghề, cô Thanh Tâm hiểu rằng mỗi GV mầm non không chỉ là cô giáo mà còn phải là mẹ, bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ, tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Vì vậy, cô luôn trăn trở, tâm huyết xây dựng bài giảng lồng ghép với giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, tạo lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái cho các em. Cô Thanh Tâm chia sẻ: “Ngoài kiến thức chuyên môn thì GV mầm non phải có tình thương yêu, sự nhẫn nại, bởi trẻ ở lứa tuổi này rất hiếu động, tinh nghịch. Để hình thành nên thói quen tốt, giúp trẻ phát triển nhân cách thì chúng tôi phải giữ hình ảnh một GV gương mẫu”.
Cùng với việc truyền tải kiến thức theo yêu cầu, cô chú trọng lồng ghép dạy kỹ năng sống thông qua các hoạt động học tập và vui chơi. Điều đó được cụ thể hóa qua những sáng kiến kinh nghiệm đã giúp cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, GV dạy giỏi cấp tỉnh. Để trẻ luôn vui vẻ khi đến trường, cô thường xuyên tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là sáng tạo cách làm đồ chơi, đồ dùng học tập phục vụ tiết dạy hiệu quả hơn. Cô Thanh Tâm tận dụng vật dụng, đồ dùng đã qua sử dụng như chai nhựa, hộp sữa chua, ống hút,... để làm đồ dùng trong giảng dạy. Hoạt động này vừa tiết kiệm mà đồ chơi cho trẻ lại đa dạng, đáp ứng nhiều buổi học ngoại khóa. Nhờ sáng tạo và khéo tay, nhiều năm liền, cô tham gia và đoạt nhiều giải cao trong cuộc thi “Làm và sử dụng đồ dùng, đồ chơi” cấp trường, cấp thành phố. Năm 2022, sáng kiến Nâng cao sự hứng thú của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi trong hoạt động trải nghiệm được nhà trường và ngành chuyên môn đánh giá cao.
Trong suốt quá trình giảng dạy, nhiều lứa học sinh nối tiếp nhau được cô Thanh Tâm chắp cánh ước mơ, đặt cho những “viên gạch” trưởng thành đầu tiên trong cuộc đời. Suốt thời gian qua, có rất nhiều kỷ niệm đọng lại trong lòng cô nhưng có lẽ, ký ức mà cô Thanh Tâm không thể nào quên được chính là về một học sinh có vấn đề tâm lý. Tuy nhiên, khi trao đổi với phụ huynh để tìm hướng giải quyết, cô không nhận được sự đồng thuận. Thế nhưng, cô vẫn kiên trì, nhẫn nại, đồng hành cùng em, giúp em giảm bớt sự tự ti, mặc cảm. Cảm nhận được tấm lòng của cô, gia đình của em dần dần ủng hộ, cùng cô can thiệp sớm. Giờ đây, em đã tiến bộ hơn rất nhiều, có thể hòa nhập với các bạn đồng trang lứa. Đây là thành công, niềm vui lớn của cô trong cuộc đời dạy học.
Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Măng Non - Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết: “Cô Thanh Tâm là tấm gương sáng, tận tâm với nghề. Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, cô luôn tạo cảm giác gần gũi như người mẹ thứ hai nên trẻ rất yêu mến, quấn quít. Những giờ học tập, vui chơi do cô tổ chức luôn được học sinh đón đợi và tích cực tham gia. Cô còn có nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở, cấp tỉnh”.
Người “lái đò” tận tụy đã gắn bó với nghề bằng tình yêu nghề, mến trẻ. Với cô Lý Thanh Tâm, dù công việc áp lực, mệt mỏi đến đâu nhưng chỉ cần thấy nụ cười của trẻ, trẻ thích thú với đồ chơi, đồ dùng mình làm ra và tiến bộ, ngoan ngoãn từng ngày, đó là tất cả niềm hạnh phúc!./.
Phương Đài - Ngọc Nhanh