Tiếng Việt | English

19/10/2023 - 10:32

Cơ hội xúc tiến, quảng bá văn hóa, du lịch, ẩm thực Hậu Giang

Tuần lễ Du lịch và Văn hóa Ẩm thực tỉnh Hậu Giang, diễn ra từ ngày 29/12/2023 đến ngày 2/1/2024 tại thành phố Vị Thanh, sẽ tạo cơ hội quảng bá hình ảnh Hậu Giang đến du khách trong, ngoài nước.


Tàu du lịch Xà No. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Là một trong những hoạt động quan trọng chào mừng sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang (1/1/2004-1/1/2014), Tuần lễ Du lịch và Văn hóa Ẩm thực tỉnh Hậu Giang năm 2023 được kỳ vọng sẽ góp phần phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, ẩm thực và đặc sản địa phương gắn với phát triển du lịch.

Tiềm năng phong phú

Nằm ở trung tâm của tiểu vùng Tây Nam sông Hậu, Hậu Giang có vị trí thuận lợi trong phát triển du lịch. Từ nơi này, có thể nối các tuyến du lịch liên hoàn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, xa hơn là nối với các tuyến du lịch quốc gia.

Đặc biệt, tỉnh giáp ranh với thành phố Cần Thơ, một trong những đô thị lớn nhất và quan trọng nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch, trong đó có thị trường khách quốc tế.

Hậu Giang còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cảnh quan sinh thái ven kênh, sông thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp với những vườn cây trái, những cánh đồng ruộng rộng lớn tạo nên không gian xanh, yên bình.

Tỉnh sở hữu 16 Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh, thích hợp phát triển du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử. Một số khu di tích đang khai thác phục vụ khách du lịch như Di tích Chiến thắng Chương Thiện, Đền thờ Bác Hồ, Khu trù mật Vị Thanh-Hỏa Lựu, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ...

Bên cạnh đó, tỉnh còn có một số công trình văn hóa tôn giáo (Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, Quan Đế miếu, nhà thờ Vị Hưng...); lễ hội văn hóa (Lễ dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ; Lễ hội của đồng bào Khmer, Hoa); làng nghề truyền thống (nghề đan đát, nghề trồng trầu,...).

Ẩm thực Hậu Giang có các đặc sản từ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, góp phần đa dạng hóa cho sản phẩm du lịch của tỉnh.

Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây mới và nâng cấp, đặc biệt hạ tầng giao thông. Thời gian qua, Hậu Giang đầu tư 132 tỷ đồng cho tuyến đường vào Khu Du lịch Sinh thái Lung Ngọc Hoàng; nâng cấp tuyến đường vào địa điểm Cây di sản Lộc Vừng; đường vào Đền thờ Bác Hồ, xây dựng cầu tàu du lịch (thành phố Vị Thanh).

Hiện tại, một số dự án du lịch trọng điểm đang đẩy nhanh tiến độ, như Khu Du lịch Sinh thái Việt-Úc, Tổ hợp khách sạn 4 sao SOJO…

Hậu Giang đang nỗ lực phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, cộng đồng trên địa bàn Châu Thành A, Ngã Bảy, Vị Thanh… Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã đầu tư tu bổ 36 lượt di tích với tổng số tiền 295 tỷ đồng.

Tuần lễ Du lịch và Văn hóa Ẩm thực tỉnh Hậu Giang

Ngày 18/10, phát biểu tại cuộc họp về việc tổ chức Tuần lễ Du lịch và Văn hóa Ẩm thực tỉnh Hậu Giang năm 2023, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết Tuần lễ sẽ diễn ra từ ngày 29/12/2023 đến ngày 2/1/2024 tại thành phố Vị Thanh.

Cánh đồng mùa nước nổi ở Hậu Giang đẹp như một bức tranh. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, ẩm thực và đặc sản địa phương gắn với phát triển du lịch, Tuần lễ sẽ có ba không gian chính gồm Không gian Du lịch, Không gian Văn hóa, Không gian Ẩm thực.

Riêng không gian du lịch bố trí gắn kết với tàu du lịch Xà No, lồng ghép phát huy Nghệ thuật Đờn ca Tài tử, Nghệ thuật Hát Aday…

Nhiều hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ gồm Không gian giao lưu văn hóa, du lịch các tỉnh, thành phố; không gian chợ quê; không gian ẩm thực “Vũ điệu Hậu Giang” giới thiệu đặc sản của tỉnh và các đặc sản các vùng miền khác; tổ chức con đường sách, con đường triển lãm ảnh nghệ thuật, mỹ thuật tỉnh Hậu Giang và Đồng bằng sông Cửu Long; hoạt động giao lưu nghệ thuật giữa các tỉnh, thành phố; giới thiệu, tham quan điểm đến độc đáo của tỉnh.

Sự kiện góp phần quảng bá hình ảnh Hậu Giang đến với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo môi trường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, ẩm thực, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đưa Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.

Đưa ngành công nghiệp không khói phát triển

Thời gian qua, lĩnh vực du lịch ở Hậu Giang từng bước được nhìn nhận, quan tâm, đầu tư một cách bài bản. Năm 2014, việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đánh dấu cột mốc quan trọng để du lịch Hậu Giang chuyển mình, đi lên từ xuất phát điểm rất thấp.

Thu hoạch lá trầu sẽ là một trong những trải nghiệm thú vị với du khách tại làng trầu Vị Thủy (Hậu Giang). (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Năm 2019, Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh Quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2024 ra đời, tiếp tục tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng khi xây dựng những sản phẩm, công trình phục vụ du lịch.

Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, du lịch được xem là một lĩnh vực được đặc biệt quan tâm, có chỉ đạo chặt chẽ và sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới để “ngành công nghiệp không khói” phát triển.

Theo Nghị quyết này, tỉnh đề ra mục tiêu tập trung nâng chất các hoạt động và xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh du lịch Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước.

Hậu Giang tập trung định vị thành công hai điểm nhấn du lịch vươn tầm khu vực và cả nước, đó là du lịch trên tuyến Kênh Xà No tạo đặc trưng của tỉnh; khai thác hiệu quả Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng gắn kết các Khu di tích lịch sử trên địa bàn huyện Phụng Hiệp và chợ nổi Ngã Bảy.

Từ một tỉnh chưa có tên trong bản đồ du lịch, Hậu Giang đang dần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển sản phẩm du lịch; cung cấp cho người dân những kiến thức về du lịch, làm du lịch và khuyến khích, hỗ trợ họ tham gia xây dựng sản phẩm du lịch.

Một số sản phẩm đã dần hình thành từ sự đầu tư của người dân như Trại sữa dê Ngọc Đào, Homestay Mương Đình (Châu Thành A), Bamboo Garden, Khu du lịch Mùa Xuân (Phụng Hiệp), Homestay Miệt Vườn, Vườn dâu Thiên Ân (Ngã Bảy)...; điểm du lịch mới đang dần hoàn thành, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm nay như Điểm du lịch Lam Tuyền (thành phố Vị Thanh)./.

(Vietnam+)

Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/co-hoi-xuc-tien-quang-ba-van-hoa-du-lich-am-thuc-hau-giang/902898.vnp

Chia sẻ bài viết