Nhà cách mạng Trần Văn Giàu sinh ngày 6-9-1911, tên lúc nhỏ là Ký, có bút danh sớm nhất là Hồ Nam, bí danh Ngô Hà, quê gốc ở làng An Lục Long, quận Châu Thành, tỉnh Tân An (nay thuộc xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Nhà giàu, chí lớn, sự nghiệp ông đeo đuổi là làm cách mạng giải phóng dân tộc, nhưng về sau ông vừa làm lãnh đạo, quản lý, vừa là nhà khoa học tên tuổi hàng đầu của đất nước, được giới khoa học thừa nhận “chưa có người nào viết nhiều đến thế” (1); với ông, báo chí là phương tiện tất yếu trên đường làm cách mạng.
Trần Văn Giàu làm quen với báo chí từ năm 17 tuổi khi đang học đại học Tuludơ, một thành phố ở miền Nam nước Pháp, cách Paris 681km. Khi đó, Hội ái hữu của sinh viên ra báo Journal des étudiants Annamites, Trần Văn Giàu được lớp đàn anh hướng dẫn, đã tham gia viết bài và chuyển biến ý thức, từ yêu nước sang tiếp nhận chủ nghĩa cộng sản; vì vậy 18 tuổi ông vào Đảng Cộng sản Pháp (5-1929). Khởi đầu bước chân vào làng báo, ông viết bài cho tờ Cờ đỏ - một tờ báo tiếng Việt của Đảng Cộng sản Pháp nhằm vận động binh lính người Việt; ông cũng dịch bài của các đồng chí Pháp ra chữ Việt để đăng báo.
Tháng 5-1930, ông bị cảnh sát Pháp trục xuất vì hăng hái đấu tranh phản đối vụ thực dân Pháp đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ông về Sài Gòn, dạy học và gia nhập Đảng Cộng sản. Năm 1931, ông được Đảng cử đi Liên Xô học tập theo đường bí mật qua Pháp.
Lần đầu tiên lấy bút danh Hồ Nam, ông viết bài “Tình hình kinh tế và chính trị ở Đông Dương và nhiệm vụ trước mắt của Đảng Cộng sản Đông Dương”, đề viết từ Hải Phòng ngày 10-2-1931, đây là bài có tính nghiên cứu lịch sử và lý luận, được đăng trên báo Cahiers du bolchévisme – tạp chí lý luận của Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Tháng 3-1932 Hồ Nam có bài “Hai năm tồn tại của Đảng Cộng sản Đông Dương” được đăng trên tập san Inpekorr của Quốc tế Cộng sản (bản tiếng Pháp). Hai bài báo trên cho thấy thiên hướng tư duy nghiên cứu sâu và Trần Văn Giàu được xem là 1 trong 3 người đầu tiên viết lịch sử Đảng (chỉ sau Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Văn Tạo). Thời gian học ở Đại học Phương Đông, Liên Xô (1931-1932), Trần Văn Giàu có bài viết Nghệ An đỏ, Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương; ông cùng Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập dịch một số tác phẩm của Lê-nin, cùng Nguyễn Khánh Toàn (2) dịch “Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Liên Xô”.
Đầu năm 1933 về Sài Gòn, ông liên lạc được Trương Văn Bang, Phan Vân,… cùng tổ chức lại Liên địa phương bộ Nam Đông Dương và xuất bản Tạp chí Cộng sản – cơ quan của Liên Chấp ủy địa phương Nam Đông Dương (số 1 ra ngày 1-6-1933; số cuối ra ngày 19-6-1935), đồng thời xuất bản báo Cờ Vô sản (số 1 ra ngày 11-2-1934; số 6 ra ngày 15-3-1935). Cả báo và tạp chí đều do Trần Văn Giàu làm Tổng biên tập. Theo nhà nghiên cứu lịch sử báo chí Nguyễn Thành thì Trần Văn Giàu “viết gần hết các bài, từ xã luận, bình luận chính trị, giải thích đường lối theo chủ nghĩa quốc tế cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương, phân tích các khái niệm của lý luận Mác - Lênin, phê phán chủ nghĩa Tơrốtxkit ở Đông Dương…đến đưa tin trong nước và thế giới” (3). Trong điều kiện Đảng ta bị thực dân truy nã, cơ quan Xứ ủy nhiều lần tan vỡ, đến tháng 4-1934 bộ tham mưu của Đảng ở nước ngoài mới thành lập được để chuẩn bị Đại hội lần thứ nhất của Đảng ở Ma Cao (đến giữa năm 1936 mới chuyển về trong nước), thì với việc độc lập tác chiến như trên - đủ cho thấy Trần Văn Giàu thể hiện rõ bản lĩnh chính trị và ý chí tiến công của một người cộng sản đầy năng lực, nhiệt huyết. Bất chấp gian nan, kể cả mấy lần bị bắt, “Trần Văn Giàu còn là Tổng biên tập của Phổ thông cộng sản tổng thể và là tác giả của trên 10 cuốn sách lý luận viết dưới dạng phổ thông, dùng cho đảng viên và quần chúng cách mạng học tập. Tất cả sách và báo chí đều in khổ 13cm x 19cm, viết bút thép trên giấy sáp để in” (4).
Tháng 4-1935, bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo, Trần Văn Giàu tiếp tục làm Tổng biên tập tạp chí Ý kiến chung – một dạng cơ quan lý luận của chi bộ nhà tù (thuộc Banh 1); vừa giảng các lớp lý luận và ra tạp chí, Trần Văn Giàu lôi cuốn được cả số trí thức trung thực của Việt Nam Quốc dân đảng trong tù. Tháng 6-1936, 2000 tù chính trị được trở về đất liền, Ý kiến chung ngừng xuất bản. Tháng 10-1943, Trần Văn Giàu được cử làm Bí thư Xứ ủy.
Chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, tháng 5-1945 ông cùng Xứ ủy lập tổ chức Thanh niên Tiền phong và xuất bản báo Tiền phong, do ông làm cây bút chủ yếu. Cách mạng Tháng Tám thành công, năm 1946 – 1947 Trần Văn Giàu là Phân xã trưởng của Thông tấn xã Việt Nam ở Băng Cốc, Phân xã có tờ báo in litô khổ nhỏ 260 x190cm; các bài của ông trên báo này, sau được tập hợp in thành sách Lịch sử Việt Nam, bút danh Ngô Hà.
Ngày 4-3-1950, Trần Văn Giàu được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam. Từ đây, bên cạnh nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động ngành, làm tổng biên tập các loại tờ thông tin, ông còn viết bài đăng báo Sự thật và đài Tiếng nói Việt Nam.
Năm 1954, Trần Văn Giàu là Trưởng khoa văn của Đại học Sư phạm (sau tách thành hai trường Sư phạm và Tổng hợp), ông là Ủy viên thường trực hội đồng biên tập tập san Đại học Sư phạm. Những năm về sau, Trần Văn Giàu có nhiều bài viết cho báo Nhân Dân, các tạp chí Văn học, tạp chí Triết học, Nghiên cứu lịch sử, Học tập, Tổ quốc, Khoa học Xã hội,… đề cập nhiều vấn đề về lịch sử, triết học, văn hóa, xã hội, chính trị, thời sự…
Gần 80 năm cầm bút viết hàng trăm bài báo, mang nhiều bút danh như Hồ Nam, Ngô Hà, Trần Văn Giàu, Tầm Vu, Thảo Giang, Gió Nồm, MN,… với năng khiếu rèn luyện và thiên phú “văn - sử - triết bất phân”, “hoàn cảnh nặng, trí lực sâu”, nhà báo Trần Văn Giàu đã tạo ra phong cách “không lẫn với ai”, văn bút đi thẳng vào lòng người. Ông có phương pháp trình bày dễ hiểu, văn phong giản dị, sâu sắc, hấp dẫn, giàu tính phát hiện thông minh và giải pháp táo bạo. Theo nhà nghiên cứu lịch sử báo chí Nguyễn Thành: Trần Văn Giàu viết rất nhiều, song tổng hợp tất cả các bài báo cũng chỉ chiếm khoảng 10% tổng số sách ông đã viết và xuất bản.
Nhìn từ góc độ sự nghiệp cá nhân, có ý kiến cho rằng Trần Văn Giàu không phải là nhà báo chuyên nghiệp, nhưng thực tế đến nay chưa ai thống kê đủ số lượng các bài báo của ông. Thực tiễn, ông không chỉ làm báo mà trên hết, trước hết - là nhà cách mạng chuyên nghiệp, người Cộng sản lãnh đạo, Giáo sư sử học, Nhà giáo Nhân dân. Trần Văn Giàu được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1; ông qua đời tại TP.HCM, ngày 16-12-2010. Kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin thêm nén hương tưởng nhớ đến một chân dung khác của ông: Nhà báo Trần Văn Giàu./.
Long Thái