Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, Bệnh viện quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN)
Ngày 16/9, Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động khám chữa bệnh theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ” với sự tham gia của đại diện các vụ, cục trực thuộc Bộ Y tế và một số bệnh viện trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hệ thống y tế Việt Nam hiện nay đang dần được đổi mới và hoàn thiện theo hướng công bằng-hiệu quả-phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong những năm qua, ngành y tế đã được Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh từ trung ương đến địa phương bằng các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA và các nguồn khác.
Từ năm 2008 đến nay, cả nước đã có 610/760 bệnh viện từ tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, từng bước hoàn thành, được đưa vào phục vụ bệnh nhân.
Mặc dù đã có sự quan tâm của Nhà nước, nỗ lực cố gắng của ngành y tế và toàn xã hội nhưng cơ sở hạ tầng của ngành y tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng của hệ thống y tế đang được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả khả quan.
Để thúc đẩy việc thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư vào lĩnh vực y tế, Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động khám chữa bệnh theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ” nhằm đánh giá thực trạng đầu tư cơ sở khám chữa bệnh, những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua và các bài học kinh nghiệm.
Qua đó, ngành y tế nêu rõ nhu cầu đầu tư trong giai đoạn tới, định hướng đầu tư và giải pháp về nguồn vốn đầu tư; các giải pháp đẩy mạnh xã hội hoá, hợp tác công tư để thu hút các nguồn vốn xã hội đầu tư vào hoạt động khám chữa bệnh và tăng cường phát triển hệ thống bệnh viện tư nhân.
Theo Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế), đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ cho ngành y tế đã có bước đột phá, thực hiện nghiêm việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Nhiều bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã được đầu tư và hình thành được hệ thống bệnh viện vệ tinh tại hầu hết các tỉnh. Hầu hết các bệnh viện trung ương đều có công trình, hạng mục công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, việc liên doanh, liên kết đã đạt được một số kết quả tích cực như phát triển kỹ thuật; trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại, tiên tiến như hệ thống CT-Scanner các loại (có cả loại 256, 128 và 64 lớp cắt), hệ thống cộng hưởng từ (MRI), máy gia tốc tuyến tính, các thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể, mổ Phaco, siêu âm màu, máy xét nghiệm các loại... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong.
Vụ Kế hoạch Tài chính đề xuất, để tiếp tục xã hội hóa và kết hợp công tư trong khám chữa bệnh hiệu quả, thời gian tới ngành y tế cần sớm thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vì hiện nay giá dịch vụ mới chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí.
Các bệnh viện phải tính toán cụ thể các trang thiết bị nào cần sử dụng các nguồn vốn của bệnh viện (như quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, ngân sách), trang thiết bị nào cần vay vốn, liên kết... để đạt hiệu quả cao nhất.
Các đơn vị y tế cũng cần nghiên cứu thực hiện đấu thầu cung ứng dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm, xử lý chất thải, giặt là... tại bệnh viện và lựa chọn các đơn vị cung ứng có chất lượng, giá hợp lý để ký hợp đồng./.
Thu Phương/Vietnam+