Tiếng Việt | English

30/10/2023 - 14:24

Cơm cháy đáy nồi - món ăn gợi nhớ tuổi thơ

Cơm cháy giòn rụm hòa cùng vị thơm béo của nước sốt và mặn mòi của chà bông gà khiến thương hiệu cơm cháy đáy nồi của chị Võ Thị Kim Ngọc (ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) trở thành món ăn vặt được nhiều người yêu thích.

Do làm hoàn toàn bằng truyền thống nên cơm cháy đáy nồi của vợ chồng chị Võ Thị Kim Ngọc mang hương vị rất riêng

Do làm hoàn toàn bằng truyền thống nên cơm cháy đáy nồi của vợ chồng chị Võ Thị Kim Ngọc mang hương vị rất riêng

Trước đây, vợ chồng chị Ngọc có thu nhập chính từ kinh doanh quán ăn. Trong một lần đến nhà bạn chơi, anh chị được mời ăn cơm cháy chà bông - món ăn gợi nhớ tuổi thơ. Anh Thọ (chồng chị Ngọc) kể: “Ngày xưa nhà nghèo, đông anh em nên mẹ tôi thường phơi khô những miếng cơm cháy rồi chiên lên ăn như món ăn vặt. Khi lớn lên, món ăn vặt đó dần bị lãng quên. Do đó, khi được ăn miếng cơm cháy chà bông, tôi liền nghĩ ngay đến việc làm món ăn vặt này theo cách truyền thống, mang hương vị mẹ nấu đến với nhiều người”.

Dù có ý tưởng nhưng vợ chồng chị Ngọc không nóng vội làm ngay. Họ vừa kinh doanh quán ăn, vừa nghiên cứu thị trường, công thức làm nước sốt, cách làm cơm cháy thơm ngon, giòn rụm. Sau thời gian tìm tòi, anh chị quyết định làm theo phương thức thủ công và qua nhiều lần thất bại mới tìm ra được “bí quyết” riêng để làm món cơm cháy đáy nồi giòn thơm.

Anh Thọ chia sẻ: “Nguyên liệu làm cơm cháy đáy nồi là gạo thơm, nước sốt và chà bông gà. Làm cơm cháy đáy nồi trải qua nhiều công đoạn như nấu cơm, phơi khô, làm nước sốt,... Trong đó, công đoạn nấu cơm và phơi khô là vất vả nhất. Vợ chồng tôi chọn cách làm truyền thống để lớp cơm cháy thơm ngon, giòn, giữ được hương vị đặc trưng”. Đặc biệt, vợ chồng chị còn làm các hồ sơ, thủ tục để UBND huyện công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao.

Chính sự tâm huyết, trách nhiệm, sản phẩm cơm cháy đáy nồi của vợ chồng chị Ngọc dần khẳng định thương hiệu, được nhiều người ưa chuộng. Bình quân mỗi tháng, vợ chồng chị nấu trên 500kg gạo, tương đương cho ra thị trường 5.000 sản phẩm cơm cháy đáy nồi. Thị trường tiêu thụ từ TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Tây. Mỗi gói cơm cháy có giá từ 15.000-25.000 đồng. Hiện vợ chồng chị giải quyết việc làm cho 2-3 lao động của địa phương.

Chị Ngọc cho biết: “Giờ vợ chồng tôi chuyển hẳn sang kinh doanh cơm cháy đáy nồi, không còn kinh doanh quán cơm như trước. Chúng tôi muốn tập trung toàn lực để phát triển sản phẩm, mở rộng cơ sở kinh doanh”.

Cơm cháy đáy nồi vốn là món ăn dân dã, quen thuộc của người miền quê. Song, qua sự khéo léo, tâm huyết của vợ chồng chị Ngọc, cơm cháy đáy nồi trở thành món đặc sản mang thương hiệu của quê hương Đức Huệ./.

Nhã Lam

Chia sẻ bài viết