Tiếng Việt | English

02/04/2023 - 09:42

Khởi nghiệp với món cơm cháy chà bông

Gợi nhớ về những ký ức tuổi thơ, anh Đỗ Lý Trường Thọ (ấp Chánh, xã Bình Hòa Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) quyết định khởi nghiệp với món cơm cháy chà bông nhằm mang hương vị ngày xưa đến với mọi người. Hiện anh gặt hái được những thành công bước đầu và dần mở rộng thị trường cho “đứa con” tinh thần của mình.

Anh Đỗ Lý Trường Thọ tự hào giới thiệu về sản phẩm cơm cháy chà bông vị truyền thống của mình

Cơ duyên khởi nghiệp của anh Trường Thọ đến rất tình cờ. Một lần được bạn mời ăn món cơm cháy chà bông làm anh gợi nhớ ký ức tuổi thơ. Anh kể: “Lúc nhỏ, hoàn cảnh khó khăn, mỗi khi ăn cơm xong, mẹ thường tận dụng những miếng cơm cháy để đem phơi khô rồi chiên lên cho tôi ăn như món ăn vặt. Khi tôi lớn lên, món ăn vặt đó cũng dần bị lãng quên nên khi được thưởng thức món cơm cháy chà bông của bạn mời, kỷ niệm tuổi thơ ùa về. Tôi có ngay ý tưởng làm món cơm cháy chà bông quen thuộc này theo cách thủ công và mang hương vị mẹ làm đến với nhiều người. Vậy là tôi quyết định dừng công việc hiện tại để tập trung khởi nghiệp”.

Xác định hướng sản xuất thủ công và sản phẩm phải mang hương vị truyền thống, anh Trường Thọ bỏ không ít thời gian tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu để sản xuất ra sản phẩm ưng ý nhất có thể. Trong quá trình khởi nghiệp, anh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vốn và đầu ra của sản phẩm. Anh chia sẻ: “Trên thị trường, sản phẩm cơm cháy chà bông khá phổ biến và sản xuất theo hướng công nghiệp nên có sự cạnh tranh cao, đặc biệt là về giá. Hơn hết, sản phẩm của tôi mới, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có chỗ đứng trên thị trường nên hành trình đến với người tiêu dùng càng gian nan”.

Khó khăn là vậy nhưng anh không nản lòng và quyết tâm theo đuổi ước mơ làm giàu từ món ăn tuổi thơ cùng sự tử tế trong cách nghĩ, cách làm. Anh tập trung vào chất lượng sản phẩm và xác định đối tượng khách hàng là những người thực sự quan tâm, yêu thích sản phẩm sạch, mang hương vị truyền thống. Theo đó, điểm khác biệt lớn nhất món cơm cháy chà bông của anh Trường Thọ là mặt dưới của miếng cơm có phần cháy vàng giòn tự nhiên, đẹp mắt. Đó cũng là bí quyết để anh làm ra món cơm cháy giòn đều và có mùi thơm đặc trưng của cơm cháy truyền thống. Ngoài ra, anh còn chú trọng khâu sấy sản phẩm cho miếng cơm cháy khô hoàn toàn để khi chiên có độ giòn đều.

“Sản xuất thủ công, tôi tốn nhiều chi phí về nhân công hơn sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, tôi phải cân nhắc kỹ về giá để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại. Đó cũng là một “bài toán” khó. Ngoài ra, dù là cơ sở sản xuất nhỏ nhưng những năm gần đây, tôi cũng bị ảnh hưởng khi tình hình kinh tế biến động. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn do thu nhập giảm. Do vậy, tôi phải có chiến thuật và sản xuất sản phẩm phục vụ khách hàng thuộc nhiều phân khúc khác nhau, phù hợp túi tiền cũng như có những ưu đãi về giá, khuyến mại hợp lý nhằm kích cầu người tiêu dùng” - anh Trường Thọ trải lòng.

Đến nay, khởi nghiệp được khoảng 7 năm, anh Trường Thọ xây dựng được đầu ra ổn định. Anh tập trung phân phối sản phẩm vào các cửa hàng tạp hóa, căng tin trường học, quán ăn, nhà hàng. Sắp tới, anh dự định đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và các kênh bán hàng online để tăng doanh số. Hiện anh giải quyết việc làm cho 2-3 lao động của địa phương có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Anh thổ lộ: “Chưa gọi là thành công như mong đợi nhưng so với trước khi khởi nghiệp, tôi có cuộc sống ổn định hơn, có mục tiêu, định hướng rõ ràng về tương lai. Tôi đang nỗ lực hoàn thiện và đưa sản phẩm vươn xa hơn nữa. Hiện sản phẩm cơm cháy chà bông của tôi đang làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP”.

Dám nghĩ, dám làm, anh Trường Thọ khởi nghiệp với món cơm cháy chà bông không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn góp phần giúp lao động địa phương có thêm thu nhập và xây dựng thương hiệu cho quê hương mình./.

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Gia công nồi bánh tét inox giá rẻ Cách phối hợp hương vị