Tiếng Việt | English

05/02/2019 - 15:35

Cồn cào nỗi nhớ tết xưa

Tết là nỗi háo hức của trẻ nhỏ vì được mặc quần áo mới, được vui chơi thỏa thích, không phải học hành nhưng tết cũng là nỗi bận rộn lo toan của người lớn từ hàng tháng trước.

Chợ quê ngày tết

Theo nhiều người bảo, tết ngày càng nhạt đi, chẳng khác ngày thường, trong khi đó, người lớn có rất nhiều thứ phải lo, từ mua sắm quà cáp, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa,... Nhiều người dành thời gian nghỉ tết cho việc vui chơi giải trí, thăm thú bạn bè hay đi du lịch,...

Chia sẻ về vấn đề này, chị Trần Thị Phụng, 36 tuổi, ngụ ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tâm sự: "Tôi thấy tết xưa vui hơn, dù không được đủ đầy như bây giờ nhưng không khí ấm áp, sôi động hơn. Đôi khi, tôi...sợ tết nhưng lại mong đến tết, vì có những điều thú vị, ấm cúng mà chỉ tết mới có như cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa, thức canh nồi bánh tét đón giao thừa,...Ngày nay, cuộc sống quá bận rộn, mọi thứ bày bán sẵn ngoài chợ. Sáng 30, chỉ cần ra mua về là có đủ mọi thứ nên cảm giác nôn nao, tất bật mấy ngày tết dường như không còn nữa. Tết có gì đó trầm lắng hơn!".

Chỉ có tết người ta mới dễ dàng bỏ qua cho nhau nhiều thứ. Chỉ có tết mới đủ sức "lôi kéo" những người con tha phương trở về chỉ để "ăn một bữa cơm" đầy đủ các thành viên trong gia đình.

Anh Trần Hoài Lâm, ngụ ấp Chánh Hội, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, thông tin: "Có những thứ cứ thay đổi theo thời gian. Tôi nhớ tết xưa, khoảng từ rằm tháng Chạp là mẹ bảo cha con tôi chuẩn bị sẵn một đống củi to để nấu bánh chiều 30 tết. Những thao thức, nôn nao bên nồi bánh tét, mùi khói cay cay khóe mắt nay đã không còn vì mẹ tôi sức khỏe dần không tốt, không thể gói bánh, làm sẵn dưa hành, củ kiệu nữa".

Cùng tâm trạng cồn cào nỗi nhớ tết xưa, chị Lâm Thị Thùy Dương, khu phố 8, thị trấn Bến Lức, cho biết: "Tôi nhớ tết xưa, nhớ cái vẻ bận rộn của mẹ từ hái dừa, bào củ gừng, làm mứt, gói bánh. Kể cả những món ăn hơi xa xỉ ngày tết như lạp xưởng mẹ cũng tự tay làm. Tết nay, tiếng pháo chẳng còn râm ran khắp xóm,...".

Cuộc sống bận rộn nên nhiều người là lao động chính trong gia đình cứ muốn đơn giản đi nhiều thứ, nhưng, nếu nhìn vào mắt đám trẻ con mới thấy chúng "háo hức" chờ đón tết như thế nào. Mọi người quanh năm vất vả kiếm sống, làm việc, con cái học hành, chỉ dịp tết mới có thể dành thời gian cho cha mẹ, con cái một cách đủ đầy, trọn vẹn nhất.

Tết xưa đậm đà trong ký ức với những mùi pháo nồng nàn, mùi dưa hấu, củ kiệu, thịt kho, mùi nếp mới tỏa ra từ nồi bánh tét, mùi hoa cúc, hương trầm thơm trên bàn thờ,...Nhiều nét đẹp của Tết Cổ truyền vẫn được lưu giữ, phát huy. Chợ tết bao giờ cũng tấp nập nhất, nhiều mặt hàng nhất và người ta bán mua cũng nhanh chóng và dễ mặc cả nhất. Bao giờ những người phụ nữ đi chợ tết cũng phải mua sắm những thứ không thể thiếu trong 3 ngày tết như hộp mứt, gói trà, bình hoa và ký thịt,...

Tết nay hiện đại, đơn giản, nhưng đâu đó mọi người vẫn không nguôi nỗi nhớ về những cái tết xưa khi đêm cuối cùng của năm cũ, cả làng quê chìm trong tiếng pháo đón giao thừa. Sau thời khắc ấy, người lớn, trẻ nhỏ xúng xính quần áo mới kéo nhau đi chùa, hái lộc đầu năm cầu cho gia đình một năm mới bình yên, may mắn, sức khoẻ và thành công. Sáng mùng 1 tết, những đứa trẻ háo hức chờ người lớn lì xì đầu năm. Những cậu bé, cô bé nhanh nhẹn, thông minh, sáng láng được chọn để xông nhà. Mâm cỗ được dọn lên, cả nhà quây quần thưởng thức,...

Thời gian trôi đi kéo theo những thay đổi trong văn hóa và cách đón tết của người Việt cũng dần có những biến chuyển cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhưng trong ký ức những người thuộc thế hệ 6X, 7X vẫn cồn cào nỗi nhớ về những cái tết xưa, tuy không đủ đầy như ngày nay nhưng ấm áp./.

Song Hồng

 

Chia sẻ bài viết