Nghề gói bánh tét nhộn nhịp ở khu phố 2, thị trấn Đức Hòa
Làng bánh tét truyền thống nhộn nhịp vào mùa
Những ngày giáp tết, khu phố 2, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An lại nhộn nhịp hơn, từ ngoài ngõ vào sân và cả trong nhà là màu xanh của lá chuối, màu trắng của nếp, màu vàng của đậu xanh. Người già, người trẻ hối hả rửa lá, xếp lá, gói bánh. Khi trời về chiều cũng là lúc mọi công đoạn gói bánh hoàn tất, bánh được xếp vào những nồi to đặt lên bếp. Bếp lửa rực sáng suốt đêm nấu bánh. Gần sáng, bánh được vớt ra ép cho sạch nước. Chỉ vài giờ sau, bánh đã có mặt ở chợ và các gia đình đặt mua. Không chỉ bánh tiêu thụ trong những ngày tết mà sau tết, những hộ gói bánh tét ở đây cũng nhộn nhịp không kém vì người dân sẽ đặt bánh sau tết để làm quà biếu người thân, bạn bè khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Vì thế, đời sống người dân trong khu phố cũng ngày càng khấm khá hơn. Mặc dù chưa được công nhận là làng nghề truyền thống nhưng những hộ dân có thâm niên làm nghề gói bánh tét ở khu phố 2, thị trấn Đức Hòa vẫn rất tự hào về nghề truyền thống của mình.
Bà Huỳnh Ngọc Hạnh, ngụ khu phố 2, thị trấn Đức Hòa, cho biết: “Gia đình có thâm niên gói bánh tét gần 20 năm và cũng có bí quyết riêng nên sản phẩm bánh tét của tôi được khách hàng khắp nơi ưa chuộng. Nếu như các ngày thường trong năm, mỗi ngày, gia đình tôi gói trên 400 đòn thì vào dịp tết, mỗi ngày gói gần cả ngàn đòn nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Ngày thường, giá mỗi đòn bánh tét chỉ từ 25.000-30.000 đồng, còn tết thì giá cao gấp đôi”. Hiện nay, gia đình bà Hạnh đã nhận được đơn đặt hàng từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và các tỉnh lân cận. Dự báo, mức tiêu thụ năm nay cao gấp nhiều lần so với năm rồi bởi bánh vừa ngon, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm.
Gia đình bà Trần Thị Chích, ngụ cùng địa phương cũng là một trong những gia đình có truyền thống gói bánh tét hơn 40 năm và luôn được khách hàng khắp nơi lựa chọn. Để phục vụ mùa tết năm nay, gia đình bà dự định thuê thêm 5 nhân công phụ việc. Bà Chích chia sẻ: “Bánh làm ra bao nhiêu thì có người đến nhà mua hết bấy nhiêu. Ngoài ra, tôi còn mua chiếc xe tải nhỏ cho con trai chở bánh đi bỏ mối. Nay mỗi khi đến tết, nhiều người không còn gói bánh tét, làm các loại mứt như trước nữa mà thường đặt mua cho đỡ mất thời gian”.
Nếu như trước đây, nghề gói bánh tét giúp người dân khu phố 2, thị trấn Đức Hòa thoát nghèo thì ngày nay, người dân nơi đây làm bánh vào dịp tết không đơn thuần chỉ là việc mưu sinh mà còn là một nét truyền thống của ngày Tết Cổ truyền.
Thơm ngon hương vị cốm ngò
Không hiểu cái tên cốm ngò từ đâu ra và có từ khi nào nhưng theo ông Lý Đông Khê - chủ Cơ sở cốm ngò Hiệp Thành (khu phố 1, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc): “Từ ngày xưa, khi trang trí, người ta hay để lên trên vài cọng ngò. Màu xanh của ngò nổi bật trên nền vàng mật của cốm khá đẹp mắt và từ đó có cái tên cốm ngò”. Hiện nay, người ta không còn trang trí cọng ngò lên món bánh này nữa. Với hương vị thơm ngọt và giòn tan khi ăn, cốm ngò trở thành một trong số các loại bánh đặc sản truyền thống ở huyện Cần Giuộc.
Ông Lý Đông Khê - chủ Cơ sở sản xuất cốm ngò Hiệp Thành, bên sản phẩm của mình
Thường mùa tết là mùa nhộn nhịp nhất của các cơ sở làm cốm ngò. Có 2 thương hiệu cốm ngò nổi tiếng nhất ở Cần Giuộc là Huỳnh Hy và Hiệp Thành. Người dân khu vực này mua cốm ngò để cúng ông bà, làm quà tặng người thân, bạn bè ở xa và họ xem đó như đặc sản của vùng quê Cần Giuộc. Ông Lý Đông Khê chia sẻ, cốm ngò được chế biến từ những nguyên liệu đơn giản gồm bột mì, trứng vịt hoặc trứng gà, dầu ăn, đường mạch nha,... Cách làm khá đơn giản, ai cũng có thể làm được. Chỉ cần nhào bột với trứng, sau đó cắt thành từng sợi nhỏ, chiên với dầu, thế là thành cốm. Cốm được rải lên một lớp đường mạch nha màu vàng mật, rắc thêm mè, sau đó cắt thành từng miếng. Ngày thường, Cơ sở cốm ngò Hiệp Thành sản xuất khoảng 250 hộp, còn dịp tết, sản lượng tăng gấp đôi. Đặc biệt, cốm ngò Hiệp Thành được cấp giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” năm 2012, là món quà biếu sang trọng và ý nghĩa dịp tết.
Ngọt lành bánh in Long Hựu
Xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước có hơn 15 hộ gia đình thường xuyên làm bánh in truyền thống. Theo nhiều người dân ở đây, mỗi ngày, một cơ sở làm khoảng 50-100 cái bánh và bán với giá 20.000 đồng/cây/5 cái. Vào dịp tết, lượng bánh tăng mỗi ngày hơn 1.000 cái, khách đến tận nơi nhận hàng. Nhân bánh rất đa dạng với nhân đậu xanh, thập cẩm, chuối khô, mứt gừng dẻo,... Vào khoảng đầu tháng Chạp, các cơ sở bánh in bắt đầu sôi động. Đa số người dân phải chuẩn bị nguyên liệu trước mới kịp cung ứng bánh cho thị trường tết.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hóa gắn bó với nghề làm bánh in truyền thống đã nhiều năm
Bà Nguyễn Thị Hóa, ngụ ấp Mỹ Điền, xã Long Hựu Tây, cho biết: “Dù tết làm với số lượng nhiều nhưng tôi vẫn không đẩy giá lên cao và luôn bảo đảm an toàn thực phẩm”. Bánh in là món bánh truyền thống của người dân Long Hựu Đông và Long Hựu Tây. Dù là món quà quê bình dị, dân dã nhưng bánh in Long Hựu có hương vị rất riêng, hợp khẩu vị của nhiều người. Đây là món đặc sản và cũng là món quà quê hương, chắc chắn sẽ làm ấm lòng người thân hay những vị khách phương xa.
Cuộc sống hiện đại đã đủ đầy hơn, nhưng chắc hẳn trong tâm trí mỗi người vẫn còn đọng lại hương vị của các loại bánh truyền thống trong những ngày tết đến, xuân về. Ai cũng nhớ vẻ tất bật của các bà, các mẹ khi tự tay chuẩn bị tàu lá chuối, rồi xẻ thịt, đãi nếp cho từng đòn bánh tét. Nhớ không khí rôm rả của các chú, các anh với những câu chuyện đầu năm bên tách trà nóng hổi cùng đĩa bánh in, cốm ngò thơm phức./.
Hoàng Lê