Tiếng Việt | English

21/10/2017 - 10:24

Công bố áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành du lịch

Những ngành về du lịch được áp dụng cơ chế đặc thù gồm: Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn...

Ngày 20/10, Bộ GD-ĐT ban hành công văn số 4929/BGDĐT- GDĐH về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch.

Theo đó, những ngành được áp dụng cơ chế đặc thù gồm: Du lịch (7810101); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (7810103); Quản trị khách sạn (7810201); Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống (7810202) và các mã ngành đào tạo thí điểm trong lĩnh vực du lịch chưa có trong Danh mục giáo dục đào tạo cấp IV hiện hành để đáp ứng nhu cầu về nhân lực du lịch.

Chương trình đào tạo của các ngành trên phải điều chỉnh theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông; bao gồm các học phần cốt lõi và các học phần tự chọn. Các học phần cốt lõi nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành đào tạo. Các học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu về các lĩnh vực du lịch theo vùng miền, khu vực địa lý, loại hình du lịch... Rút ngắn thời gian đào tạo phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.

Một số ngành đào tạo về du lịch được áp dụng cơ chế đặc thù
Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo về du lịch tăng thời gian đào tạo thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Cơ sở đào tạo tự chủ lựa chọn doanh nghiệp đối tác; chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực tham gia đào tạo của doanh nghiệp đối tác trong quá trình phối hợp đào tạo và tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập.

Khuyến khích các cơ sở đào tạo công nhận tín chỉ lẫn nhau, phối hợp xây dựng nguồn học liệu dùng chung đặc biệt là nguồn học liệu điện tử.

Nghiên cứu việc công nhận một số học phần mà người học tích lũy được từ các khóa đào tạo cấp chứng chỉ về nghiệp vụ du lịch tương đương với một số môn học, tín chỉ trong chương trình đào tạo đại học thông qua quy trình đánh giá và công nhận tín chỉ của các cơ sở đào tạo.

Bộ GD-ĐT khuyến khích thực hiện hình thức đào tạo văn bằng thứ hai ngành du lịch; khuyến khích các cơ sở đào tạo linh hoạt mở ngành đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Các cơ sở đào tạo liên kết đào tạo với doanh nghiệp được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô đối với các ngành đào tạo về du lịch; mở rộng chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 trình độ đại học của các ngành này. Trên cơ sở tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp, phân tích mức độ đáp ứng yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành du lịch, các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với thị trường lao động ngành du lịch./. 

Chu Miên/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích