Tiếng Việt | English

27/06/2022 - 10:26

Công nhân giữ lửa yêu thương qua bữa cơm gia đình

Gia đình là “tế bào” của xã hội, nơi mọi người trở về sau ngày làm việc mệt mỏi, vất vả. Với công nhân, lao động (CNLĐ) cũng vậy, gia đình là nơi tạm gác công việc, dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn bên nhau. Dù cuộc sống đôi lúc còn khó khăn hay phải xa quê, ở trọ nhưng nhiều gia đình CNLĐ luôn giữ gìn hạnh phúc nhờ biết yêu thương, san sẻ và bồi đắp tình cảm giữa các thành viên qua những bữa cơm gia đình ấm áp. Có thể thấy rằng, bữa cơm gia đình góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó, yêu thương của từng thành viên trong gia đình.

Với anh Trần Chí Tâm và chị Phạm Thị Thảnh, bữa cơm gia đình là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc

Với anh Trần Chí Tâm và chị Phạm Thị Thảnh, bữa cơm gia đình là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc

Bữa cơm gắn kết yêu thương

Nhờ công ty “mai mối”, anh Trần Chí Tâm (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) và vợ là chị Phạm Thị Thảnh yêu nhau rồi kết hôn, đến nay được 8 năm. Ngần ấy năm gắn bó keo sơn, anh chị không chỉ gìn giữ được hạnh phúc gia đình mà còn ít khi to tiếng, cãi nhau bởi luôn yêu thương, tôn trọng, nhường nhịn nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, những bữa cơm gia đình cũng góp phần không nhỏ trong việc vun bồi tình cảm, giúp anh chị hiểu nhau hơn.

Anh Tâm kể: “Bữa trưa, vợ chồng tôi ăn tại công ty, bữa sáng thì có thể ăn bánh mì, xôi,... nhưng chiều phải dùng bữa cơm gia đình đúng nghĩa. Bởi, sáng, trưa đã ăn bên ngoài thì buổi chiều phải ăn cơm nhà với những món mình thích”.

Ngày nào cũng vậy, sau khi tan ca, anh chị lại tìm mua nguyên liệu tươi ngon cho bữa cơm chiều của gia đình. “Thường tôi là người mua thực phẩm nấu ăn, tuy nhiên, mỗi khi mua bất kỳ loại thực phẩm nào cho bữa ăn, tôi đều hỏi chồng có muốn ăn món đó không, nếu chồng đồng ý mới mua. Bởi, bữa ăn không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn thỏa mãn sự yêu thích của người thưởng thức. Tôi muốn bữa cơm gia đình mình phải đạt được ít nhất 2 điều đó” - chị Thảnh thổ lộ.

Về nhà, anh chị mỗi người một việc, cùng nấu bữa ăn cho gia đình, không phân biệt trách nhiệm của ai. Trong bữa cơm ấy, những câu chuyện cuộc sống được sẻ chia, tâm sự để hiểu và gắn kết với nhau hơn.

Anh Tâm cho biết: “Có lẽ với gia đình nào cũng vậy, bữa cơm gia đình có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, giúp gắn kết yêu thương. Đó là dịp để các thành viên trong gia đình dành trọn thời gian cho nhau, cùng ăn các món ăn tuy giản đơn, đạm bạc của gia đình CN nhưng là lúc ấm áp, thư thái nhất để trò chuyện, tâm sự với nhau, quên đi nỗi vất vả mưu sinh. Với tôi, bữa cơm gia đình là một trong những khoảnh khắc hạnh phúc, góp phần giữ gìn tình cảm bền chặt của vợ chồng”.

Không ăn ở đâu bằng cơm nhà

Cùng quê ở tỉnh Đồng Tháp, vợ chồng anh Bùi Khánh An và chị Mai Thị Như Ngọc đến TP.Tân An làm CN hơn 1 năm nay. Dù ở trọ nhưng anh chị vẫn duy trì bữa cơm gia đình mỗi ngày. Bởi, với anh chị không ăn ở đâu bằng cơm nhà do chính tay mình nấu.

Nếu nhiều CN lựa chọn ăn sáng bên ngoài với các món ăn nhanh, tiện lợi thì vợ chồng anh An lại thường tự nấu bữa sáng cho mình. Không phải mất nhiều thời gian như bữa cơm chiều nhưng bữa sáng của anh chị cũng đủ dinh dưỡng cho ngày mới làm việc hiệu quả. Đó thường là món ăn được nấu dư ra vào chiều hôm trước được hâm nóng lại hoặc vài món chế biến nhanh.

Anh An chia sẻ: “Bữa sáng là bữa ăn quan trọng, không chỉ phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ dinh dưỡng mà phải hợp khẩu vị. Đặc biệt, vợ tôi đang có bầu nên cần chú trọng việc ăn uống hơn. Tuy nhiên, đôi lúc vợ chồng tôi cũng ăn bữa sáng ở ngoài nhưng luôn chọn kỹ hàng quán và món ăn ưa thích”.

Không chỉ bữa ăn sáng, bữa ăn chiều cũng được anh chị chú trọng. Có nhiều thời gian lựa chọn thực phẩm, chế biến nên anh chị luôn có bữa ăn gia đình theo đúng sở thích. “Cuộc sống còn khó khăn, công việc nhiều lúc mệt mỏi, áp lực nhưng khi trở về nhà, cùng chồng bên bữa cơm gia đình ấm áp, tôi thấy mình nhẹ nhỏm hơn và những nỗi buồn hay lo lắng đều được xua tan” - chị Ngọc tâm sự.

Bữa cơm gia đình tuy đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa lớn để giữ lửa yêu thương, vun đắp hạnh phúc cho mỗi gia đình, đặc biệt là gia đình CNLĐ xa quê, ở trọ. Nó là dịp để các thành viên trong gia đình quay quần bên nhau một cách trọn vẹn, từ đó hiểu nhau, đồng cảm và chia sẻ cho nhau nhiều hơn và cùng nhau gìn giữ hạnh phúc gia đình./.

Bữa cơm gia đình tuy đơn giản nhưng lại mang một ý nghĩa lớn để giữ lửa yêu thương, vun đắp hạnh phúc cho mỗi gia đình, đặc biệt là gia đình công nhân, lao động xa quê, ở trọ. Nó là dịp để các thành viên trong gia đình quay quần bên nhau một cách trọn vẹn, từ đó hiểu nhau, đồng cảm và chia sẻ cho nhau nhiều hơn và cùng nhau gìn giữ hạnh phúc gia đình".

Đặng Tuấn

Chia sẻ bài viết