Công nhân, lao động hiếm có bữa cơm đầm ấm có đủ các thành viên trong gia đình
Công nhân khó có bữa cơm gia đình
Tại khu nhà trọ 7 Công, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, vào một buổi chiều tan tầm, chị Thạch Thị Mai - CN Công ty TNHH Cơ khí Công nông ngiệp Bùi Văn Ngọ, cho biết: "Hai vợ chồng ở Sóc Trăng lên đây làm đã 5 năm nhưng ít khi nào chúng tôi có được bữa cơm gia đình. Người này về phòng trọ là người kia đi làm, giờ giấc cứ chênh nhau như thế nên nhiều lúc cũng buồn".
Sống cùng dãy trọ với chị Mai, vợ chồng anh Vũ Minh Tâm, quê Hải Dương, cũng chung cảnh ngộ. Hai vợ chồng làm khác công ty nên rất hiếm khi có được bữa cơm gia đình vì làm khác ca. Anh Tâm chia sẻ: "Sau một ngày làm việc tất bật, ai cũng mong được vui vầy bên bữa cơm cùng người thân. Dù chỉ là những bữa cơm đạm bạc nhưng ước mơ đơn giản ấy đối với CN chúng tôi cũng khó thực hiện". Còn chị Lê Thị Kim Lý, ngụ ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, chia sẻ: "Tôi ly hôn gần 2 năm, đứa con trai theo cha về Bắc, còn lại đứa con gái nhỏ học lớp 6 ở cùng tôi. Sáng, tôi nấu sẵn thức ăn và cắm nồi cơm rồi đi làm, con gái ở nhà đi học về tự ăn cơm. Buổi chiều, mẹ con cũng hiếm khi ăn cơm chung vì tôi đi về trễ, có khi tăng ca đến 20 giờ mới về tới nhà. Hồi chưa nghỉ hè, con bé phải ăn trước để còn học bài hôm sau đi học. Mẹ con muốn có bữa ăn chung thường xuyên cũng khó".
Bữa cơm sum họp gia đình là nét đẹp văn hóa, dù là một mâm cơm thịnh soạn hay đạm bạc nhưng các thành viên trong gia đình được thưởng thức các món ăn hợp khẩu vị, được chia sẻ, hàn huyên tâm sự về công việc, học tập,... Đối với những gia đình cả vợ chồng là công nhân, những bữa cơm sum họp là niềm hạnh phúc giản đơn mà có khi khó thực hiện được.
Ăn cho qua bữa
Với những khó khăn như giờ giấc làm việc khác nhau, thu nhập thấp, nhiều đôi vợ chồng CN quan niệm ngày 2 bữa cơm ăn đâu chẳng được, cốt cho xong bữa. Trao đổi cùng chúng tôi, chị Nguyễn Ngọc Hiền - CN Công ty TNHH Túi xách Simone (Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc), cho biết: "Vợ chồng tôi cùng làm CN, con gửi nhà trẻ cả ngày, buổi trưa ăn tại công ty, chiều tôi đón con từ nhà trẻ về, bận rộn lo cho con nên vợ chồng mạnh ai nấy ăn".
Chị Nguyễn Kim Yến - CN Công ty TNHH Giầy ChingLuh Việt Nam (Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức), chia sẻ: "Vợ chồng tôi may mắn không bị mất việc làm giữa thời buổi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Bữa ăn của gia đình 3 người giờ quanh đi quẩn lại chỉ bó rau muống hay rau dền nấu canh, đậu phụ chiên sả, 2 quả trứng luộc hoặc chiên cho con,... Chính vì bữa cơm đơn sơ nên vợ chồng tôi thống nhất sáng dậy sớm nấu sẵn, chiều ai về trước thì ăn cơm trước. Chúng tôi cố gắng gói ghém bữa cơm thật đơn giản, số tiền còn lại để dành, phòng khi ốm đau. Dẫu biết bữa cơm gia đình có ý nghĩa quan trọng, nhưng vì đặc thù công việc nên đành chấp nhận".
Bữa cơm gia đình là "sợi dây" gắn kết tình cảm, là dịp quây quần bên nhau để răn dạy trẻ em biết nhường nhịn, tập ý thức ăn uống gọn gàng, vệ sinh, lễ phép, lịch sự. Bữa cơm là một hoạt động không thể thiếu trong mỗi gia đình, không gian ấm áp, lan tỏa, kết nối tình yêu thương, nơi mỗi người tìm về để được sống giữa tình thân thương. Nhưng đối với nhiều CNLĐ nghèo, ở trọ, để có được bữa cơm đầm ấm mỗi ngày không phải dễ dàng. Họ luôn nỗ lực mưu sinh để thực hiện khát vọng no ấm, hạnh phúc của mình./.
Hoàng Lê