Tiếng Việt | English

04/09/2021 - 12:46

Hết đậu xanh, dùng đậu phộng làm giá cũng ngon 'nhức răng'

Những ngày giãn cách, Facebook tràn ngập hình ảnh bạn bè khoe làm giá đậu xanh để cải thiện rau xanh cho bữa cơm gia đình. Nhà mình chỉ có đậu phụng (đậu phộng), vậy là cũng đem ra làm giá. Ở quê mình thường gọi giá đậu phụng là mầm đậu phụng.

Đậu phụng đang lên mầm

Mầm đậu phụng thường mập ú, vừa béo bùi, mọng nước, ngọt lịm, nhúng lẩu, xào thịt bò, thịt hộp, nấu canh đều rất ngon.

Mình vẫn còn nhớ mãi những buổi chiều mùa hè êm êm con nắng ở quê nhà, khi mặt trời đã chênh chếch đi về phía bên kia ngọn đồi, mình thích nhất là theo chân đám trẻ con trong làng ra đồng nhặt nhạnh những mầm đậu trắng ngà mập ú vừa trồi lên khỏi mặt đất sau mấy trận mưa dông hôm trước.

Những mầm đậu ngọt lịm mọng nước ấy, thoắt cái sẽ hiện hữu trên mâm cơm chiều thơm nồng mùi khói bếp cay cay. Sau mỗi mùa thu hoạch đậu phụng, người làng thường trông mong những trận mưa dông ồ ạt trút xuống đồng.

Những cánh đồng đậu phụng vừa mới nhổ xong, đất đai khô cong dưới ánh mặt trời, chỉ cần vài cơn mưa tưới tắm, quả đậu phụng còn sót lại trên đồng sẽ nứt vỏ, đẩy lên lớp đất rồi hăng hái vươn lên đón ánh mặt trời.

Đám trẻ con tụi mình lúc đó sẽ tràn ra đồng, nhổ sạch từng mầm đậu nằm rải rác trên đồng, đem về chế biến món ăn.

Những mầm đậu phụng nhặt về

Mầm đậu phụng là món ăn theo mùa, khi mà những xưởng rau mầm không ai làm rau mầm từ đậu phụng, thì món ăn dân dã này chỉ xuất hiện sau khi mùa thu hoạch đậu phụng vừa kéo qua.

Mầm đậu phụng cũng giống như nhiều loại rau mầm khác, chỉ khác ở chỗ mầm đậu phụng mập mạp hơn, mọng nước hơn nên ăn cũng có vị giòn ngon ngọt đậm đà hơn hẳn nhiều thứ rau mầm khác.

Mầm đậu phụng có thể dùng để nấu canh, ăn lẩu, hay đơn giản chỉ xào với chút tỏi đập giập là có ngay một món ngon. Sang sang thì xào mầm đậu với thịt bò, thịt hộp, ăn hoài không biết ngán.

Hồi xưa nhà nghèo, mỗi mùa đậu phụng qua đi, rồi mưa dông kéo đến, chỉ mong kiếm được vài nắm mầm đậu mang về cho mẹ nấu ăn. Món mầm đậu chỉ đơn giản xào với chút mỡ heo, với vài tép tỏi đập giập, mà cũng đủ sức khiến nồi cơm chiều bị vét rột rạt đến cạn đáy.

Mình thích nhất là ngồi lân la trong bếp, nhìn mẹ chế biến món ăn. Cái mùi củi lửa, mùi thức ăn, hòa trong âm thanh lèo xèo, rột rạc khi mẹ làm bếp, không hiểu sao luôn khiến mình mê mẩn.

Mỗi lần nấu món nào, mẹ cũng dặn dò đủ thứ. Ví như khi chế biến món mầm đậu, mẹ luôn dặn phải chần qua nước sôi, sau đó thả ngay mầm đậu vào nước. Mẹ nói để mầm đậu khi xào lên vẫn giữ được độ giòn và ngọt.

Sau khi chần đậu, mẹ sẽ bắc chiếc chảo gang lên bếp, cho vào chút mỡ heo, thảy vào tép tỏi vừa đập giập, khi chái bếp thơm lừng mùi tỏi phi, mẹ sẽ cho mầm đậu vào, đảo thật nhanh tay, nêm thêm chút ruốc, xíu muối, rồi rắc chút bột ngọt, vài hạt tiêu, rải lên ít ngò gai, ớt đỏ cắt nhỏ vừa hái sau vườn, vậy là có ngay món mầm đậu thơm ngát.

Mầm đậu khi ăn có vị dai dai, giòn giòn, ngọt ngọt, kết hợp với vị beo béo của mỡ heo, chút cay cay của tiêu, ớt, thơm thơm của tỏi hành, tạo nên hương vị đậm đà khó cưỡng và đặc biệt vô cùng hao cơm.

Những lúc trái mùa, muốn thưởng thức mầm đậu phụng, mẹ mình cũng thường hay tự ngâm đậu phụng rồi ủ mầm. Khác với ủ giá từ đậu xanh, chỉ mất tầm 3 đến 4 ngày là thu hoạch, mầm đậu phụng phải ủ từ 8 đến 10 ngày mới có ăn.

Những ngày này phải ở yên trong nhà vì giãn cách, nhìn bạn bè khoe làm giá từ đậu xanh, đậu đỏ, làm cải mầm mà thích thú quá chừng. Nhà mình chỉ có mỗi đậu phụng, vậy là mình quyết định cũng mang đi ủ làm đậu mầm.

Cái cảm giác ngày nào cũng đến thăm rổ đậu đặt nơi góc nhà, ngó ngó nghiêng nghiêng nhìn từng hạt đậu nhăn nheo rồi nứt vỏ, nhú mầm mà thương chi lạ. Không khéo đến ngày thu hoạch, nhìn những mầm đậu cao cao chừng ngón tay, trắng phau, mập ú mà thương quá chẳng nỡ ăn./.

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết