Tiếng Việt | English

19/06/2020 - 14:00

COVID-19 thúc đẩy nhanh, mạnh hơn quá trình chuyển đổi số của thế giới

COVID-19 đẩy nhanh hơn và mạnh hơn quá trình chuyển đổi số của thế giới do các biện pháp chống dịch yêu cầu làm việc tại nhà, tăng giãn cách xã hội và các biện pháp khác như khám bệnh từ xa.


Tọa đàm khoa học với chủ đề Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hậu COVID-19. (Ảnh: Tố Uyên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ mới đây đã phối hợp với Hội trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sỹ (AVIES) tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo hậu đại dịch COVID-19” dưới sự chủ trì của Đại sứ Lê Linh Lan.

Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của một số chuyên gia AVIES hiện đang nghiên cứu, làm việc trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, blockchain, công nghệ y tế, bảo hiểm, khởi nghiệp… tại Thụy Sỹ và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ.

Các chuyên gia đã đưa ra những đánh giá về các xu hướng của thế giới trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo sau đại dịch COVID-19.

Phần lớn các ý kiến đều cho rằng đại dịch COVID-19 đẩy nhanh hơn và mạnh hơn quá trình chuyển đổi số của thế giới do các biện pháp chống dịch yêu cầu làm việc tại nhà, tăng giãn cách xã hội và các biện pháp khác như khám bệnh từ xa, học, mua hàng trực tuyến hay chuỗi cung ứng bị đứt gãy phải sử dụng công nghệ blockchain để truy nguồn gốc.

Đánh giá về vị trí của Thụy Sỹ trong lĩnh vực chuyển đổi số trên thế giới, các chuyên gia cho rằng chuyển đổi số của Thụy Sỹ luôn đứng trong Top 5 các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đặc biệt trong hai lĩnh vực Thụy Sỹ luôn đứng đầu là số hóa y tế và chính phủ.

Đây cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu hỗ trợ việc triển khai các biện pháp chống dịch và nhờ đó Thụy Sỹ được xếp hạng một trong những nước đứng đầu trong ứng phó với đại dịch COVID-19.

Đối với Việt Nam, các chuyên gia của AVIES nhận định đại dịch COVID-19 vừa mang lại những cơ hội hết sức to lớn cho Việt Nam trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, nhưng đồng thời cũng nêu ra những khó khăn, thách thức của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số.

Tiến sỹ Lưu Vĩnh Toàn, chuyên gia về dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, cho rằng quá trình chuyển đổi số của Việt Nam cần phải mang tính tổng thể, từng bước tạo dựng nền tảng số mở, mang tính đồng bộ, có sự kết nối cao, đảm bảo độ tin cậy, minh bạch, bảo mật, đồng thời phải cải thiện năng lực kỹ thuật số của người dân và tạo ra giá trị tăng trưởng và phát triển.

Chia sẻ quan điểm này, tiến sỹ Võ Cẩm Quy, chuyên gia về blockchain trong lĩnh vực y tế tại Thụy Sỹ, cho rằng Việt Nam có nhiều thuận lợi trong chiến lược chuyển đổi số với tỷ lệ dân số trẻ cao, diện tiếp cận công nghệ thông tin rộng, có kiến thức căn bản tốt sẵn sàng áp dụng chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Chính phủ luôn ưu tiên phát triển chuyển đổi số trong thời gian qua.

Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam là khoảng cách phát triển giữa các thành phố và vùng nông thôn, miền núi khá cao nên khó tạo ra sự đồng bộ trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Các chuyên gia của AVIES cho rằng trong lĩnh vực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, Việt Nam và Thụy Sỹ có nhiều tiềm năng và dư địa để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết