Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Chỉ số giá tiêu dùng tháng Ba cả nước tăng 0,21% so với tháng Hai và tăng 4,65% so cùng kỳ đồng thời tăng 0,9% so với tháng 12 năm 2016. Như vậy, CPI bình quân quý 1 so với cùng kỳ năm trước đã tăng 4,96%.
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (ngày 29/3) cho thấy, trong 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tăng giá. Nhóm có mức tăng mạnh nhất là thuốc và dịch vụ y tế (+7,51%), nhóm có mức tăng thấp nhất là bưu chính viễn thông (+ 0,03%). Ngoài ra, 3 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,87%), may mặc, mũ nón, giầy dép (-0,12%), đồ uống và thuốc lá (-0,02%).
Y tế, giáo dục tăng giá
Thông thường theo quy luật của cả năm, sau Tết Nguyên Đán hàng hóa tiêu dùng thường giảm giá. Tuy nhiên, theo Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng Ba năm nay có mức tăng tương đối cao là do có sự điều chỉnh giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục.
Cụ thể, giá các mặt hàng dịch vụ y tế áp dụng cho đối tượng có bảo hiểm y tế đã tăng 9,86% (theo Thông tư liên tịch số 37/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính) và góp phần vào CPI thêm khoảng 0,38%.
Bên cạnh đó, với việc Thanh Hóa thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015 của Chính phủ đã làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,75%.
Mặc dù trong tháng có hai đợt điều chỉnh giá xăng, dầu (6/3 và 21/3), khiến giá xăng giảm 790 đônhg/lít, giá dầu diezen giảm 480 đồng/lít, nhưng theo bà Ngọc, chỉ số giá tiêu dùng của tháng Ba vẫn bị ảnh hưởng từ đợt tăng giá (18/2) làm cho nhóm giao thông tăng tới 0,39%, góp phần tăng CPI chung khoảng 0,04%.
“Cộng thêm, giá gas cũng chịu ảnh hưởng từ đợt tăng giá của tháng trước và khiến chỉ số giá gas tăng 1,48% so tháng Hai,” bà Ngọc cho biết.
Vàng giảm theo giá thế giới
Ngày 16/3 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lên mức 0,75% - 1%, đây là lần tăng lãi suất đầu tiên trong năm 2017 và là lần thứ 2 kể từ tháng 12 năm 2016, do nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng tốt.
Thêm vào đó, bà Ngọc cũng cho biết, nhu cầu về ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên vật liệu đang tăng, những điều này đã góp phần làm cho giá USD trên thị trường tăng cao hơn tháng Hai.
"Nhưng mức biến động không đột biến, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở mức 22.700-22.800 VND/USD," bà Ngọc nói.
Việc FED tăng lãi suất cũng khiến giá vàng thế giới bình quân tháng Ba điều chỉnh đi xuống. Tính đến ngày 24/3, giá vàng thế giới giữ ở mức 1224,13USD/ounce và giảm 12,7 USD so với mức giá bình quân tháng Hai.
Như vậy, bình quân giá vàng tháng Ba giảm 0,28% so với tháng trước, kéo theo giá vàng trong nước dao động quanh mức 3,6 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Cân nhắc điều chỉnh giá
Nhìn chung, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng Ba là khá ổn định so với tháng Hai, cụ thể tăng 1,6% so với cùng kỳ và ba tháng so cùng kỳ tăng 1,66%.
Báo cáo thống kê quý 1, CPI tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tháng Một tăng 5,22%, tháng Hai tăng 5,02%, tháng Ba tăng 4,65%, như vậy CPI so cùng kỳ đang giảm dần.
Tuy nhiên để kiểm soát CPI bình quân dưới 4%, bà Ngọc kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, (như gạo, xăng dầu, sắt thép, phân bón…) để cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Bà Ngọc cho rằng: “Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tách ra các đợt và điều chỉnh trùng hoặc sau các tháng của năm 2016 đã điều chỉnh để số liệu so cùng kỳ không tăng cao. Cơ quan chức năng nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để hạn chế lạm phát kỳ vọng”./.
Hạnh Nguyễn/Vietnam+